Quyết định trên xuất phát từ đề xuất của Hội đồng Giám khảo Cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui". Giải "Nhạc sĩ trọn đời vì âm nhạc Việt Nam" nhằm vinh danh hai nhạc sĩ đã tích cực tham gia cuộc vận động, đồng thời là tấm gương sáng trong lao động nghệ thuật với sự đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà.
Tuyệt vời thay "Nụ cười thành phố"!
Đã 83 tuổi nhưng nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật. Ông là tác giả gửi tác phẩm tham dự cuộc vận động sớm nhất, với ca khúc "Nụ cười thành phố".
Theo NSND Tạ Minh Tâm, sáng tác trên cho thấy tài năng, nhiệt huyết và tình yêu thắm thiết của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn dành cho âm nhạc, nhất là TP HCM vẫn luôn thôi thúc ông cống hiến cho đời. "Sức sáng tác, sáng tạo của ông vẫn luôn là tấm gương cho thế hệ nhạc sĩ trẻ noi theo" - NSND Tạ Minh Tâm nói.
Điểm lại những sáng tác nổi bật của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn như "Qua sông", "Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn", "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" và nhất là "Đất nước", "Bài ca không quên", "Dấu chân phía trước"..., NSND Tạ Minh Tâm nhấn mạnh cho đến bây giờ, những ca khúc của ông khi được các thí sinh tham dự các cuộc thi trình diễn luôn làm lay động lòng người và dâng trào cảm xúc về quê hương, đất nước. "Tôi khẳng định trao giải thưởng cho ông từ một cơ quan báo chí có 30 năm tổ chức Giải Mai Vàng, có nhiều hoạt động sau mặt báo vững vàng, là một nguồn động viên lớn để thế hệ nhạc sĩ trẻ noi theo mà lao động nghệ thuật không mệt mỏi" - NSND Tạ Minh Tâm bày tỏ.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tại chương trình Giao lưu âm nhạc lần 3
Nói về bí quyết nuôi dưỡng cảm xúc, nhất là khi viết về TP HCM thân yêu, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tâm sự: "Ca khúc "Nụ cười thành phố" tôi viết với góc nhìn đầy tự hào, kiêu hãnh về chặng đường vẻ vang 50 năm bảo vệ, xây dựng, phát triển thành phố mà tôi may mắn là một trong những nhạc sĩ có nhiều năm tháng chứng kiến sự đổi thay, một diện mạo mới hôm nay sánh ngang tầm với các đô thị của nhiều quốc gia tiên tiến. Tôi rất vui khi được tham gia cuộc vận động sáng tác của và nhận được giải thưởng vinh danh do Báo Người Lao Động trao tặng".
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, tác phẩm "Nụ cười thành phố" có giai điệu dạt dào, lời ca rung động lòng người và ắt hẳn chính sự vươn vai lớn mạnh của TP HCM đã mang lại nụ cười tuyệt đẹp, thôi thúc thế hệ trẻ tiếp tục xây đắp thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Giữa buổi trò chuyện, nhớ lại ca khúc "Qua sông" - sáng tác năm 21 tuổi, do tốp ca nữ của Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương biểu diễn năm 1965, được trao Giải thưởng văn học nghệ thuật cao quý mang tên Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn kể khi ấy, bên cạnh những văn nghệ sĩ "cây đa cây đề", bản thân là tác giả trẻ nhất được nhận giải thưởng nên ông vô cùng xúc động.
"Năm đó, tôi là nhạc công của Đoàn Văn công giải phóng, ngày đêm tay súng, tay đàn đi chiến đấu và biểu diễn phục vụ quân và dân đánh giặc "gạo hẩm cầm hơi và điếu thuốc cũng chia đôi". Trong khói lửa chiến tranh của miền Nam anh dũng, trong ánh sáng lý tưởng cách mạng, từ trái tim giàu tình yêu quê hương, nhìn về Sài Gòn tôi mơ có một cơ hội sẽ viết về một thành phố hiện đại và như một truyền thuyết của cuộc đời, cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" đã thôi thúc tôi viết về "Nụ cười thành phố" - ông tâm sự.
Năm 1968, trong chiến dịch Mậu Thân, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã cùng nhà thơ Lê Anh Xuân sáng tác nên ca khúc "Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn" và tiếp tục được tốp ca nữ Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương ở miền Bắc làm tiết mục chủ lực đi biểu diễn khắp nơi, được phát sóng vào tận Sài Gòn, động viên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta... Những giai điệu hào hùng ông viết như tiếng kèn xung trận, sâu thẳm trong đó là những lời ca dạt dào tình cảm, có giá trị thiêng liêng, lay động trái tim và mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ông vẫn là nhạc sĩ của khát vọng, của tình yêu và của TP HCM anh hùng, hiện đại, nghĩa tình.
Dâng trào cảm xúc với "Ánh sao trong mắt mẹ"
Gửi "Ánh sao trong mắt mẹ" đến cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" rất sớm, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đề rõ đây là một ca khúc trữ tình, như lời tự sự về nỗi lòng của những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trong ngày đất nước hòa bình, thống nhất (30-4-1975). Ban tổ chức đã xúc động khi nghe bản thu âm và cảm nhận rất rõ nhịp đập trái tim ông khi viết về Mẹ Việt Nam Anh hùng trong thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc.

Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến chia sẻ tại chương trình Giao lưu âm nhạc lần 1. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đã tâm sự khi đến với chương trình Giao lưu âm nhạc lần 2 rằng năm 1970, ông cùng nhiều bạn bè sinh viên Sài Gòn thông qua những bài ca về ước mơ thống nhất, hòa bình của dân tộc đã xác định lý tưởng, hướng đi cho bản thân mình. Năm 1972, trong chương trình âm nhạc phản chiến tổ chức tại rạp Norodom (trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP HCM ngày nay), ông được phân công hát ca khúc "Hát cho quê hương" của nhạc sĩ La Hữu Vang. Trên sân khấu, ông vừa hát vừa đánh đàn guitar, phía dưới, bên cạnh rất đông học sinh, sinh viên còn có mấy tốp lính lăm lăm súng trong tay, khi đó chỉ cần tên chỉ huy ra lệnh là sẵn sàng đàn áp sinh viên. "Và ký ức về giai đoạn lịch sử đó đã hiện về trong tôi, khi cuộc vận động được tổ chức, chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cảm xúc, kỷ niệm về một thời lịch sử ấy lại ùa về, gợi lên trong tôi về thời khắc đất nước được giải phóng và tâm tình của những Mẹ Việt Nam Anh hùng khi đón nhận tin vui chiến thắng" - nhạc sĩ Trần Xuân Tiến chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác ca khúc "Ánh sao trong mắt mẹ".
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, ca khúc "Ánh sao trong mắt mẹ" thật sâu lắng, đầy cảm xúc và mang đậm chất bi hùng của thời khắc lịch sử 30-4-1975. "Đó là hình tượng người mẹ chờ đón những đứa con trong ngày đất nước giải phóng. Có những người mẹ hạnh phúc vô bờ bến khi ôm chặt con trong vòng tay yêu thương sau bao năm xa cách. Và cũng có những người mẹ mỏi mòn trông chờ, cứ trông đợi tin con dù biết con đã không thể trở về. Thành phố của chúng ta có những người con đã anh dũng hy sinh cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Hình tượng người mẹ trong ca khúc vừa hào hùng, vừa đẹp và đầy kiêu hãnh" - nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh nói.
Hội đồng Giám khảo đều nhấn mạnh chất bi hùng trong ca khúc mang một nét riêng khi lồng vào đó câu chuyện của người mẹ đặt lên trên nỗi buồn mất con là niềm vui lớn khi đất nước đã độc lập, dân tộc không còn lầm than. Con trai bà ngã xuống cho sự sum họp của hàng triệu gia đình. "Khi ấy, người mẹ mất con cảm thấy những đứa con không về của mình đã hóa thành ánh sao, chỉ cần ngước lên trời, mẹ sẽ thấy những người con anh dũng" - NSƯT Trần Vương Thạch, thành viên Hội đồng Giám khảo, bình luận.
Theo nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, hơn 50 năm gắn bó với văn học nghệ thuật TP HCM, ông tự hào trước diện mạo mới của thành phố - nơi ông sinh sống, làm việc, hoạt động nghệ thuật; nơi cho ông nhiều cơ hội và cảm hứng sáng tác.
Nhìn lại hành trình từ thời sinh viên tham gia phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" đến sau ngày giải phóng, lần lượt về công tác tại Nhạc viện TP HCM, Thành Đoàn TP HCM, rồi làm Trưởng Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM, sau đó giữ vai trò Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM... cho đến khi nghỉ hưu năm 2010, và hiện tại vẫn tiếp tục tham gia sáng tác, mới thấy sự cống hiến bền bỉ, không biết mệt mỏi của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cho nền âm nhạc nước nhà nói chung, TP HCM nói riêng.
Về cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui", nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đánh giá: "Báo Người Lao Động là cơ quan báo chí tiên phong tạo sân chơi "Giao lưu âm nhạc" gắn kết chặt chẽ các thế hệ sáng tác, phù hợp với đời sống văn hóa cũng như sự phát triển chung của xã hội trong kỷ nguyên mới".
"Với Ánh sao trong mắt mẹ, tôi muốn kể lại một câu chuyện ý nghĩa, để cảm xúc của riêng tôi có thể kết nối với các bạn trẻ, giúp họ hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ và nỗi niềm của hàng vạn Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hãy là những vì sao sống có ích, phấn đấu, tích cực đóng góp sức trẻ xây dựng đất nước và thành phố ngày càng tươi đẹp. Đó là cách đền đáp nghĩa ơn với bao người đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu" - nhạc sĩ Trần Xuân Tiến nhấn mạnh.
Bình luận (0)