Gần đây, nhiều hộ gia đình tại TP HCM bất ngờ vì hóa đơn tiền điện tăng vượt ngoài dự kiến. Ngành điện TP HCM dự báo tình hình tiêu thụ điện tại thành phố sẽ tiếp tục tăng cao vào tháng 4 và tháng 5 khi thời tiết trở nên oi bức hơn.
Sản lượng điện tiêu thụ sẽ đạt mức đỉnh điểm vào cuối tháng 4 và tháng 5, tương ứng với hóa đơn tiền điện của khách hàng cũng tăng mạnh trong thời gian này. Do chi phí tiền điện ngày càng cao, nhiều người bắt đầu cân nhắc đến việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Tuy nhiên, để hệ thống điện mặt trời thực sự mang lại hiệu quả và tiết kiệm như kỳ vọng, người dân cần nắm rõ một số vấn đề quan trọng trước khi lắp đặt.
Tại tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp". do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 10-4, ông Lưu Mạnh Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC, chia sẻ có 4 yếu tố chính mà người dân cần lưu ý khi đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Ông Lưu Mạnh Thức – Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC - chia sẻ tại tọa đàm
Thứ nhất, cần kiểm tra và đánh giá kết cấu công trình hiện có, xem có đáp ứng được yêu cầu chịu lực và độ bền trong suốt vòng đời của hệ thống điện mặt trời - thường kéo dài khoảng 20 năm - hay không. Việc này rất quan trọng để bảo đảm an toàn và tính lâu dài của hệ thống.
Thứ hai, phải tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điện lực và chính sách liên quan đến tải điện. Điều này giúp tránh những rủi ro pháp lý không đáng có. Đồng thời, cần làm việc với đơn vị lắp đặt để xác định công suất phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, tối ưu hiệu quả vận hành. Cũng cần làm rõ liệu hệ thống có hỗ trợ cơ chế tự sản, tự tiêu hay không.
Thứ ba, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hệ thống năng lượng mặt trời với nguồn gốc, chất lượng và giá cả khác nhau. Sự khác biệt này ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng điện mà hệ thống tạo ra. Do đó, việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín, đã được kiểm chứng chất lượng và có đầy đủ chứng chỉ là điều hết sức quan trọng.
Thứ tư, để bảo đảm hiệu quả lâu dài, hệ thống điện mặt trời cần được bảo trì định kỳ, có thể theo quý hoặc theo năm. Việc này không chỉ giúp duy trì sản lượng điện ổn định mà còn kéo dài tuổi thọ thiết bị và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành.
Bình luận (0)