Trần Thanh Vũ (quê huyện Củ Chi, TP HCM) là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Sư phạm ĐH Durham - Vương quốc Anh theo chương trình học bổng của Hội đồng Khoa học Kinh tế - Xã hội, thuộc Chính phủ Anh (ESRC).
Nỗ lực bền bỉ
Tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh năm 2013, Vũ về công tác tại Trường THPT Phú Hòa. Anh được đồng nghiệp và học trò yêu quý, thu nhập ổn định đủ lo cho bản thân và gia đình, nhiều cơ hội thăng tiến. Dù giữa lúc mọi thứ suôn sẻ, Vũ vẫn trăn trở về tương lai, muốn bước ra khỏi vùng an toàn, trở thành phiên bản tốt hơn của mình, tạo nhiều giá trị xã hội thiết thực.
Trước khi học lên tiến sĩ, Vũ đã trải qua chặng đường dài nỗ lực, không ngừng nâng cao năng lực bản thân. Chàng trai 9X nuôi ý định du học từ năm 2015 khi chương trình tiến sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam còn rất ít. Tuy nhiên, vì chương trình học thạc sĩ mà Vũ đã chọn không viết luận văn, nên anh khó đáp ứng điều kiện học lên tiến sĩ ở hầu hết các nơi. Gần 10 năm, Vũ miệt mài làm hồ sơ xin học ở gần 30 trường khắp thế giới (Úc, Anh, New Zealand, châu Âu…) và đều bị từ chối. Có lần được nhận vào chương trình của ĐH Wollongong (Úc) với thiết kế đặc biệt cho người đã học cao học theo dạng chương trình không viết luận văn nhưng Vũ không đạt học bổng. Năm 2019, khi báo cáo tại một hội thảo quốc tế ở Atlanta (Mỹ) và có thêm tư vấn từ một số thầy cô, Vũ quyết tâm ôn tập thi GRE (gồm toán, viết tư duy và đọc hiểu) để tìm kiếm cơ hội học tập ở xứ cờ hoa. Ròng rã 6 tháng, Vũ ôn luyện cật lực, nhất là môn toán, với gia sư là… học trò cũ. Năm 2020, anh được nhận học bổng từ 2 trường: ĐH Maryland (Mỹ) và ĐH Công nghệ Swinburne (Úc). Thế nhưng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến Vũ phải gác lại kế hoạch. Trong những ngày góp sức làm tình nguyện viên chống dịch, khát vọng chinh phục cột mốc mới trên con đường tri thức chưa bao giờ nhạt nhòa. "Tôi tiếp tục duy trì kỷ luật tự học, nghiêm túc đóng góp cho cộng đồng học thuật quốc tế thông qua các xuất bản khoa học, bình duyệt cho các hội thảo và tạp chí quốc tế, tham gia ban biên tập các tạp chí và tổ chức chuyên ngành quốc tế" - Vũ kể.
Năm 2022, anh quay trở lại "đường đua" và chọn nước Anh. Đây là năm đầu tiên học bổng ESRC mở cho sinh viên quốc tế nộp. Kết quả, Vũ trúng tuyển ĐH Durham (trường đứng thứ 2 ở Anh về ngành giáo dục) và là người duy nhất thuộc ngành giáo dục ở trường được nhận học bổng này vào năm đó.

Dự án TERECONET do Thanh Vũ (áo đen, đứng giữa) sáng lập có nguyên tắc hoạt động chặt chẽ, mang đến loạt sự kiện bổ ích và thường xuyên chọn lọc, giới thiệu những tài liệu chuyên ngành giá trị
Khát khao cống hiến
Thời gian đầu sang Anh không tránh khỏi sự cô đơn và áp lực song khi vượt qua rồi cũng là lúc Vũ trưởng thành hơn. Anh rút ra kim chỉ nam để bạn trẻ hội nhập trong môi trường quốc tế là sự tự tin, dám thể hiện quan điểm cá nhân, nền tảng văn hóa và khả năng đóng góp. Kế đó, luôn tôn trọng sự khác biệt giữa các cá thể hay các nền văn hóa. Và không thể thiếu kỹ năng sống căn bản bởi du học là sống tự lập, từ chuyện nấu ăn, quản lý thời gian, giữ gìn sức khỏe…
Vũ hiện tập trung vào mảng đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên ngoại ngữ. Anh cũng nghiên cứu rộng về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và các khía cạnh tâm lý của dạy - học ngoại ngữ. Dù có thành quả đáng tự hào, Vũ chưa bao giờ nghĩ mình là người xuất sắc. Chính ý thức vươn lên, nỗ lực làm giàu nội lực, linh hoạt thích ứng theo bối cảnh cụ thể và nói vui là "lì lợm, không nản lòng" mới là chìa khóa dẫn anh đến mục tiêu.
Từng là giảng viên thỉnh giảng ở Trường ĐH Sài Gòn, có thể nói Vũ tích lũy trải nghiệm giảng dạy phong phú từ bậc phổ thông đến đại học. Anh nhận thức sâu sắc những khía cạnh quan trọng với đa số nhà giáo dục, như làm sao để nâng cao phương pháp giảng dạy, cải thiện năng lực chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất cá nhân và thấu hiểu người học hơn. Do đó, ngoài học tập và nghiên cứu, Vũ tích cực đóng góp vào việc thành lập cộng đồng nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Anh là người sáng lập và điều hành TESOL Research Collaboration Network (TERECONET) - Mạng lưới hợp tác nghiên cứu về giảng dạy tiếng Anh. Qua đó, giúp hàng ngàn giáo viên thêm hiểu biết, động lực, củng cố bản sắc nghề nghiệp, kết nối và nâng đỡ nhau, gia tăng chất lượng công tác giáo dục ngoại ngữ, xây dựng môi trường học đường hấp dẫn và đong đầy cảm xúc.
Quá trình ở nước ngoài giúp Vũ có kiến thức và góc nhìn thú vị về cách họ xây dựng và thúc đẩy môi trường học thuật, đề cao việc làm khoa học theo bản chất, đam mê và vô vụ lợi. Vì vậy, Vũ càng mong giáo viên và các nhà nghiên cứu trong nước có nhiều cơ hội học hỏi, trao đổi, gặp gỡ những người cùng chí hướng để thêm vững vàng trong lựa chọn phát triển chuyên môn. Tầm nhìn của anh là TERECONET có thể trở thành tổ chức có tư cách pháp nhân (một trung tâm nghiên cứu) để thực hiện sứ mệnh ngày càng hiệu quả.

Thanh Vũ trước ký túc xá - một tòa lâu đài hơn 900 năm tuổi vào ngày khai giảng. Nơi Vũ học là Durham, một thành phố cổ kính ở miền Đông Bắc nước Anh
Bình luận (0)