Bộ VH-TT-DL ngày 12-4 cho biết Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã ký Quyết định số 1000/QĐ-BVHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng
Theo đó, người làm công tác bảo tàng có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến hiện vật, sưu tập hiện vật khi được giao quản lý theo quy định. Không được phép công bố hoặc chuyển cho bất kỳ một tổ chức hoặc cá nhân khác mà không được sự cho phép của người có thẩm quyền.
Không được môi giới, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc buôn bán, vận chuyển, hỗ trợ vận chuyển trái phép các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản thiên nhiên.
Không mua bán/sưu tầm/kinh doanh/trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc bất hợp pháp. Không lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ sưu tầm hiện vật để mua, tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác mua, bán hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng công lập hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến việc mua, bán hiện vật khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng
Không được lợi dụng hoạt động của bảo tàng để thu lợi cho cá nhân hoặc lợi dụng nghề nghiệp tại bảo tàng để hỗ trợ bạn bè, người thân trục lợi cá nhân.
Không được nhận quà tặng, các khoản cho vay hay các lợi ích cá nhân khác liên quan đến công việc trong bảo tàng.
Đối với người công tác trong lĩnh vực di tích, quy tắc yêu cầu không thực hiện các hành vi có nguy cơ làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích; không tuyên truyền, phổ biến thông tin sai lệch về sự kiện, nhân vật lịch sử gắn với di tích, ý nghĩa, giá trị của di tích, các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Không lợi dụng danh nghĩa, chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân trong các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Không được tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật trong khu vực bảo vệ di tích và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ như di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng chế tác công cụ, thành lũy, khu vực có di sản văn hóa dưới nước… và các địa điểm, khu vực khảo cổ khác; bảo vệ địa điểm, khu vực thăm dò khai quật khảo cổ.
Đối với người công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, phải bảo đảm thực hiện đúng các quy định, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Chính sách, quy định có tác động đến di sản văn hóa phi vật thể cần được trao đổi, thảo luận và thống nhất đảm bảo sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ của chủ thể di sản. Không áp đặt ý kiến chủ quan của cá nhân đối với hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của chủ thể.
Không lợi dụng hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể để đi ngược lại quyền sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể di sản.
Đối với lĩnh vực di sản tư liệu và thông tin, bảo đảm không làm biến đổi và giữ gìn tối đa thông tin gốc trong công tác phục chế, bảo quản di sản tư liệu.
Có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản tư liệu, có sự phối hợp giữa người làm công tác di sản tư liệu của các cơ quan, đơn vị trong nước, khu vực và thế giới.
Không được xâm phạm tới sự toàn vẹn, tính xác thực của di sản tư liệu (không cắt xén, tác động hay làm giả thông tin, tư liệu); Không được vì lợi ích cá nhân mà đặt sự tồn tại lâu dài của di sản tư liệu trước các mối đe dọa nguy hiểm.
Không được xâm nhập cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trái phép; sử dụng, khai thác dữ liệu trái các quy định của pháp luật.
Bình luận (0)