Dự kiến đến ngày 18-12, sau khi hoàn thành lắp đặt hệ thống camera AI có khả năng điều tiết, xử lý giao thông, TP Hà Nội sẽ không cần cảnh sát giao thông (CSGT) trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường.
Nhiều tiện ích
Đây là thông tin được Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cung cấp tại cuộc họp trực tuyến của UBND TP Hà Nội với 126 xã, phường về tăng cường chất lượng vệ sinh môi trường chiều 14-7.
Lý do được đưa ra là hệ thống camera AI có khả năng nhận diện biển số, điều khiển giao thông theo "làn xanh", phân luồng giao thông, điều tiết và đều có khả năng xử lý. Đặc biệt, hệ thống có khả năng nhận diện khuôn mặt; nếu có đối tượng truy nã ở đâu, camera có thể nhận diện tự động và báo về trung tâm chỉ huy.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, hiện Công an TP Hà Nội đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động 261 camera AI gắn với 10 tiện ích trên toàn địa bàn. Ngồi tại trung tâm chỉ huy có thể "soi" đến Bến Đục (khu vực chùa Hương) và xác định được từng người trên thuyền.
Công an TP Hà Nội đang khẩn trương lắp đặt thêm hệ thống camera AI để phục vụ lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Khi hoàn thành, công tác an ninh trật tự cơ bản sẽ được bảo đảm.
Ngoài giám sát việc vi phạm, hệ thống camera AI còn giúp lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình giao thông, phát hiện và giải quyết kịp thời các vụ tai nạn, sự cố phát sinh, phối hợp điều tiết, phòng ngừa ùn tắc và hỗ trợ các lực lượng khác trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Xu hướng tất yếu
Luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, nhìn nhận trong bối cảnh đất nước ta đang có nhiều thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển, bước vào kỷ nguyên đổi mới một cách toàn diện, mạnh mẽ thì việc trang bị hệ thống camera AI giám sát giao thông là một chủ trương phù hợp với xu hướng hiện đại hóa, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống cũng như quản lý đô thị một cách thông minh.
Hiện TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác sau sáp nhập đang phải đối mặt với nhiều thách thức về giao thông và quản lý an ninh trật tự khi nhân sự đang được cắt giảm mạnh về số lượng thì việc lựa chọn các phương án quản lý, giám sát bằng công nghệ thông minh là hoàn toàn hợp lý.
Hệ thống camera AI đã được nhiều nước trên thế giới lắp đặt, sử dụng và được đánh giá cao do khả năng giám sát rộng, phân tích hình ảnh với độ chính xác cao trong việc đo đếm lưu lượng phương tiện, phát hiện vi phạm… một cách tự động, chính xác và kịp thời. Hệ thống camera AI không những giúp giảm tải công việc cho lực lượng CSGT trong công tác tuần tra bảo đảm an toàn giao thông, giám sát chặt chẽ an ninh trật tự… mà còn bảo đảm tính minh bạch (có hình ảnh vi phạm), khách quan (do trí tuệ nhân tạo) trong quá trình xử lý vi phạm.
Ngoài ra, hệ thống này còn giúp hạn chế tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và lực lượng chức năng, điều này cũng giúp nâng cao hình ảnh của lực lượng CSGT trong mắt người dân.

CSGT Công an TP HCM kiểm tra xe khách vi phạm giao thông tại phường Gò Vấp
Khi toàn bộ hệ thống này được vận hành, từ trung tâm chỉ huy, đơn vị chủ quản xác định có khả năng "soi" đến các khu vực cách xa trung tâm TP Hà Nội. Điều đó cho thấy khả năng giám sát mạnh mẽ và toàn diện của hệ thống camera AI trong việc kiểm soát hoạt động giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Chung quan điểm, ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui - nhà tâm lý học, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, đồng tình việc CSGT không phải ra đường.
Theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui, camera AI hoàn toàn hiệu quả để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Trong tâm lý, nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng khi con người ta nhận thấy mình đang được giám sát, thì họ sẽ điều chỉnh hành vi của mình sao cho tích cực, phù hợp. Bởi biết luật là một chuyện, tuy nhiên họ sẽ không làm theo luật nếu như không có ai giám sát.
"Khi hệ thống camera AI đưa vào hoạt động thì cần được truyền thông mạnh mẽ, rõ ràng đến người dân để họ hiểu rằng ở mọi tuyến đường tại TP Hà Nội đều bị camera giám sát. Làm được điều này, tôi tin rằng ý thức tham gia giao thông sẽ tăng lên. Dù thời gian đầu triển khai có thể vấp phải những luồng ý kiến khác nhau, nhưng về lâu dài, cũng giống như chính sách đội mũ bảo hiểm năm 2008 hay đo nồng độ cồn, khi có quyết tâm chính trị và thực hiện quyết liệt thì sẽ thành công" - ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui nói.
Hiểu thế nào cho đúng
Bàn thêm về vấn đề này, nhiều bạn đọc nhấn mạnh ủng hộ kế hoạch của TP Hà Nội và cho đây là bước tiến quan trọng trong việc quản lý trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, không ít bạn đọc đặt câu hỏi: Liệu camera AI có nhận diện được người sử dụng rượu bia, trong khi đây là một trong những nguyên nhân chính của không ít các vụ tai nạn giao thông? Trả lời câu hỏi này, không ít bạn đọc cho rằng phải duy trì các chốt kiểm soát nồng độ cồn mà ở đó con người - tức CSGT - mới có thể thực thi được.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Vương nhận định việc vận hành hệ thống camera AI là bước đột phá trong quản lý giao thông tại thủ đô, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và tạo nên một môi trường sống an toàn, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận trên thực tế trí tuệ nhân tạo vẫn có một tỉ lệ lỗi nhất định như nhận diện sai biển số, nhận định nhầm hành vi vi phạm… Lẽ đó, vẫn cần một lực lượng CSGT nhất định giám sát và kiểm tra thực tế trong một số tình huống khẩn cấp như mưa bão, cháy nổ, mất điện trên diện rộng, đặc biệt là kiểm soát nồng độ cồn...
"Từ kinh nghiệm của TP Hà Nội, tiếp đến có thể áp dụng ở TP HCM, TP Đà Nẵng…, thậm chí tiến đến áp dụng trên toàn quốc. Điều này là hết sức có lợi" - ông Nguyễn Văn Vương nêu quan điểm.
Mời tham gia diễn đàn
Camera AI đang được triển khai mạnh mẽ, hứa hẹn một hệ thống giao thông thông minh, minh bạch. Giải pháp này giúp ghi hình vi phạm khách quan, nâng cao ý thức chấp hành luật và giảm tiêu cực.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào máy móc cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Liệu trí tuệ nhân tạo có đủ thông minh để xử lý các tình huống phức tạp, hay thay thế hoàn toàn vai trò điều tiết, xử lý sự cố của CSGT? Vấn đề chi phí, an ninh dữ liệu và khả năng thích ứng của xã hội cũng là bài toán lớn cần lời giải.
Diễn đàn mở ra không gian để cùng thảo luận đa chiều về vấn đề này. Mời bạn đọc chia sẻ quan điểm về những lợi ích và hạn chế của việc dùng camera AI, góp phần hướng tới một tương lai giao thông an toàn, văn minh hơn. Các ý kiến, bài viết gửi về địa chỉ email: [email protected]
Những điều cần tuân thủ
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, cho hay việc triển khai hệ thống camera AI ở TP Hà Nội là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quản lý đô thị, đặc biệt trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự và điều tiết giao thông; mở ra kỳ vọng về một mô hình đô thị thông minh, hiện đại và vận hành hiệu quả hơn.
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, để hệ thống camera AI thực sự phát huy hiệu quả, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tạo được sự đồng thuận xã hội, một số nguyên tắc pháp lý bắt buộc phải được tuân thủ như: việc thu thập hình ảnh, nhận diện khuôn mặt và biển số xe phải phục vụ mục tiêu bảo vệ an ninh trật tự, xử lý vi phạm hành chính, truy bắt tội phạm; đồng thời việc lắp đặt và sử dụng hệ thống camera AI cần được công khai trong phạm vi áp dụng, thông báo rõ ràng cho người dân.
"Dữ liệu thu thập từ hệ thống chỉ nên được sử dụng trong những tình huống thực sự cần thiết, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời nghiêm cấm chia sẻ hoặc rò rỉ cho bên thứ ba trái quy định pháp luật. Bảo vệ quyền riêng tư, quyền dữ liệu cá nhân: Người dân có quyền được biết khu vực có lắp đặt camera AI, quyền được bảo vệ thông tin cá nhân và có thể yêu cầu cơ quan nhà nước giải thích nếu nghi ngờ mình bị giám sát hoặc xử lý dữ liệu trái phép. Quyền này được bảo vệ theo Hiến pháp 2013, Luật An ninh mạng 2018 và đặc biệt là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024)" - luật sư Đào Thị Bích Liên nói.
Bình luận (0)