"Campuchia không cần thiết phải dùng tới PHL-03" - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata nhấn mạnh trong cuộc họp báo chiều 26-7. Trước đó, truyền thông Thái Lan đưa tin Campuchia dùng loại vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Thái Lan.
Quân đội Campuchia và Thái Lan cũng tranh cãi trong vụ việc phát hiện xác rốc-két rơi sang Lào, trong bối cảnh giao tranh biên giới tiếp tục leo thang.
Ngày 26-7, Quân khu 2 quân đội Thái Lan cho biết 10 quả đạn pháo từ các trận giao tranh biên giới đã rơi xuống Laem Pa Paek và Laem Makham Pom - Lào, gây hư hại tài sản.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của quân khu Winthai Suvaree khẳng định Thái Lan sử dụng vũ khí "hết sức thận trọng để tránh ảnh hưởng ngoài mục tiêu quân sự". Ông cũng nhấn mạnh không có quả đạn nào xuất phát từ phía Thái Lan và cáo buộc đây có thể là hành động của phía Campuchia, theo Bangkok Post.

Xe quân sự chạy trên đường tại tỉnh Oddar Meanchey - Campuchia vào ngày 25-7, giữa lúc binh sĩ Thái Lan và Campuchia đụng độ dọc biên giới. Ảnh: AP.
Phía Campuchia lập tức phản bác cáo buộc trên, cho đó là "vô căn cứ". Theo Phnom Penh Post, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata chỉ ra rằng chưa có cơ quan nào của Lào mở cuộc điều tra hay đệ đơn khiếu nại chính thức về việc này
Giao tranh biên giới giữa Campuchia và Thái Lan đã bước sang ngày thứ ba với nhiều điểm nóng mới, khiến hơn 30 người thiệt mạng và hơn 130.000 người phải sơ tán ở cả hai bên. Sáng cùng ngày, các trận đánh lan tới tỉnh Trat của Thái Lan và Pursat của Campuchia, cách khu vực xung đột trước đó hơn 100 km.
Thái Lan và Campuchia đã tranh chấp suốt nhiều thập kỷ về quyền kiểm soát tại nhiều khu vực chưa phân định dọc đường biên giới đất liền dài 817 km, trong đó tâm điểm là quyền sở hữu các đền Hindu cổ Ta Moan Thom và Preah Vihear có từ thế kỷ XI.
Năm 1962, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tuyên Preah Vihear thuộc về Campuchia nhưng căng thẳng leo thang vào năm 2008 khi Campuchia tìm cách đưa ngôi đền này vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Động thái này dẫn đến các vụ đụng độ kéo dài nhiều năm, khiến ít nhất hàng chục người thiệt mạng.
Tháng 6 vừa qua, Campuchia cho biết đã yêu cầu ICJ giải quyết tranh chấp với Thái Lan. Bangkok khẳng định chưa từng công nhận thẩm quyền của tòa án và vẫn ưu tiên giải pháp song phương.
Các vụ đụng độ hiện đã làm bùng phát khủng hoảng ngoại giao, đe dọa sự ổn định của chính phủ liên minh Thái Lan. Cả Bangkok và Phnom Penh đều tuyên bố sẵn sàng đối thoại song tiếp tục tăng cường lực lượng ở biên giới.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, cho biết ông đang thúc đẩy đề xuất ngừng bắn và "sẽ trực tiếp can dự nếu cần, ít nhất để chấm dứt giao tranh".
Bình luận (0)