Ngày 23-4, tại buổi tập huấn "Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường", các chuyên gia khẳng định tăng thuế không làm gia tăng buôn lậu thuốc lá như lo ngại, mà đang tạo hiệu ứng tích cực.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển, cho biết theo khảo sát 2025, dù chưa tăng thuế, giá thuốc lá tại các cửa hàng bán lẻ và thị trường chợ đen đều đã tăng. Điều này phản bác lập luận của doanh nghiệp rằng tăng thuế khiến thuốc lậu rẻ hơn và tiêu dùng tăng.
Năm 2022, Việt Nam mất 108.000 tỉ đồng (1,14% GDP) vì bệnh tật, tử vong do thuốc lá. Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách.
Bác sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết hơn 104.000 người tử vong mỗi năm do thuốc lá, trong đó có gần 19.000 người không hút nhưng bị ảnh hưởng thụ động.
Thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc, gây ít nhất 25 bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, hô hấp. Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc bệnh hoặc chết sớm, chủ yếu ở độ tuổi lao động.
Hiện có khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá giá dưới 10.000 đồng/bao, nhiều loại chỉ 7.000–8.000 đồng. Mức giá này gần thấp nhất khu vực Tây Thái Bình Dương, khiến thanh thiếu niên dễ tiếp cận.

Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)
Các chuyên gia cho biết từ 2008 đến 2023, dù thuế tăng, sản xuất và xuất khẩu thuốc lá vẫn đi lên, lượng tiêu dùng không giảm. Năm 1994, người dân phải chi 31% thu nhập năm để mua 100 bao thuốc, đến năm 2017, con số này giảm còn 5,2%.
Do đó, nhiều ý kiến cùng đề xuất áp dụng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tăng dần lên 15.000 đồng vào năm 2030, tiến tới hệ thống thuế hỗn hợp, chiếm 75% giá bán lẻ.
"Đây là bước đi cần thiết để giảm tiêu dùng thuốc lá, tăng nguồn thu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng"- bà Hải nói.
Bình luận (0)