Gần 600 loại sữa giả bị phanh phui, khiến dư luận sửng sốt khi nạn nhân là người bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Một trong những câu chuyện gây chú ý là của chị Thu Hà, biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), người đã vô tình cho chồng uống sữa giả sau ca phẫu thuật não.

Thông tin và hình ảnh hộp sữa được BTV Thu Hà chia sẻ. Ảnh chụp màn hình
Trên trang cá nhân, chị Thu Hà chia sẻ rằng cuối năm 2024, chồng chị gặp tai nạn khi đạp xe, dẫn đến chấn thương sọ não và phải phẫu thuật.
Trong thời gian chăm người thân tại bệnh viện, chị mua sữa bột từ một cửa hàng gần cổng viện để bổ sung dinh dưỡng. Đã 4–5 tháng trôi qua, chị không còn nhớ ai là người tư vấn sản phẩm, nhưng cho biết loại sữa này cùng các sản phẩm tương tự được bày bán tràn lan trước cổng nhiều bệnh viện lớn, cho đến khi vụ gần 600 nhãn sữa giả bị "bóc trần" mới đây.
Nữ biên tập viên cũng cho biết gia đình gặp biến cố, thiếu thời gian tìm hiểu và tin tưởng lời khuyên nên chị đã cho chồng uống phải sữa giả.
Dù vậy, chị vẫn thấy may mắn vì chỉ phải dùng sữa này 1-2 ngày, sau đó bác sĩ khuyến cáo nên ăn bình thường.
"Nếu kéo dài, mình không biết sẽ có chuyện gì xảy ra và còn biết bao bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như gia đình tôi. Bởi họ đều có chung suy nghĩ cứ cố làm những thứ tốt nhất cho người thân nhưng thực ra lại đang đưa vào cơ thể những người yếu đuối nhất, cần được chăm sóc nhất... không rõ là thứ gì"- chị Thu Hà bày tỏ.

Hình ảnh sản phẩm được quảng cáo trong video
Theo tìm hiểu của phóng viên sản phẩm là nữ biên tập viên của VTV mua và sử dụng cho người thân cũng chính là sản phẩm NitroGen cũng được Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma quảng cáo trong video giới thiệu sản phẩm của công ty đầu năm 2024.
Trên trang cá nhân, chị V.Đ.H. (Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện và hình ảnh hộp sữa được bác sĩ kê kèm đơn thuốc khi người thân của chị bị gãy chân phải vào viện bó bột.

Chị H. chia sẻ việc bác sĩ kê mua sản phẩm sữa trong danh sách sữa giả vừa bị phát hiện
"Cho dù chị tôi có nói đang chờ mổ sỏi mật không được uống sữa thì bác sĩ vẫn yêu cầu phải uống đúng loại này để liền xương nhanh. Quét mã QR thì ra luôn hoangbaopharma.vn, tuy nhiên, để vào trang này thì không thể thể vào được nữa"- chị H. viết trên trang cá nhân.
Khi được hỏi là "bệnh viện nào kê đơn?" chị H. đã trả lời với tên bệnh viện viết tắt là "VĐ".
Trên mạng xã hội, nhiều người hoang mang đăng ảnh hộp sữa nghi giả kèm câu hỏi "liệu sản phẩm này có gây hại cho sức khỏe hay không?".
Tài khoản P.T chia sẻ đã mua hộp sữa Colos 24h Premium giá 560.000 đồng cho con uống, rồi mới biết đó là sữa giả. Khi mua, người bán khẳng định "hiện các mẹ hay cho con dùng loại sữa này" và tư vấn về thành phần dưỡng chất.
Dưới bài đăng, nhiều bà mẹ chia sẻ cũng từng được tư vấn và đã mua sữa giả cho con. "Mình cảm thấy có lỗi với con khi mua cả thùng sữa pha sẵn này, cho con uống nhiều ngày. Xót con quá!"- một người viết.
Một bình luận khác: "Nhà em vừa uống hết hộp y như mẹ kia mới biết là giả". "Con nhà mình uống từ lúc 6 tháng đến giờ phải hơn 10 hộp rồi. Thấy không tăng cân, mới đổi sữa thì lại hay tin đây là sữa giả" - một bà mẹ chia sẻ.

Một bài đăng trên mạng xã hội lo. Ảnh chụp màn hình
Các chuyên gia cảnh báo đối với những người có bệnh lý nền, sữa giả càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Chẳng hạn với bệnh nhân tiểu đường, nếu sản phẩm không kiểm soát tốt lượng đường, người bị tiểu đường sẽ bị tăng đường huyết; hay bệnh nhân suy thận dùng sữa chứa nhiều đạm có thể khiến tình trạng thận thêm nghiêm trọng, dễ biến chứng.
Trước việc người tiêu dùng lo lắng vì từng sử dụng sữa bột giả, bác sĩ khuyên những ai dùng sữa bột giả trong thời gian dài, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền... nên đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.

Công ty quảng cáo đã phân phối hàng triệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng
Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8-2021 đến nay, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, đã sản xuất và phân phối gần 600 loại sữa bột giả, nhắm vào đối tượng người bệnh, trẻ em và phụ nữ mang thai...
Các sản phẩm này được bán rộng rãi trên thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỉ đồng. Hiện cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đến vụ việc.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế tỉnh, thành phố rà soát việc công bố sản phẩm sữa bột của các công ty liên quan, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Người tiêu dùng cũng được khuyến cáo nên mua sản phẩm từ các nguồn uy tín, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bình luận (0)