icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết “Lòng tốt quanh tôi” lần 3: Người lo nơi an nghỉ cho những linh hồn bé thơ

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc Thanh

Nhận tin báo có ca xấu số, anh Thân không quản đường xa, mưa gió, bỏ việc lập tức đến nhận các bé về an táng

Tại phường Cam Ly - Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, có một người đàn ông thầm lặng làm công việc mà ít ai làm - tiếp nhận thai nhi qua đời mang đi chôn cất để những linh hồn bé nhỏ ấy khỏi bơ vơ giữa núi rừng lạnh lẽo.

Những sinh linh xấu số

Sau vài lần hẹn, chúng tôi được anh Phạm Chí Thân (SN 1969, sinh sống ở làng hoa Vạn Thành; phường Cam Ly - Đà Lạt) đưa đến nơi chôn cất các bé có số phận ngắn ngủi. Buổi sớm vùng cao nguyên, trời không mưa nhưng phủ một màu xám lạnh. Chúng tôi theo chân anh Thân đi thăm các ngôi mộ, nghe anh kể những số phận đau lòng dưới từng nấm mộ không bia…

Cuộc thi viết “Lòng tốt quanh tôi” lần 3: Người lo nơi an nghỉ cho những linh hồn bé thơ- Ảnh 1.

Anh Phạm Chí Thân tại khu nghĩa trang thai nhi

Anh đưa tôi đến ngôi mộ của thai nhi chưa kịp chào đời được anh đưa về vào năm 2021. Anh kể khoảng 4 giờ năm đó, người gác cổng mở cửa một nhà thờ lớn ở Đà Lạt báo cho anh đến nhận túi ni-lông trong đó có chứa thi hài bé xấu số. Anh và sơ Phạm Thị Thủy vừa tắm rửa, khâm liệm cho bé vừa khóc, vì thân thể bé không còn toàn vẹn do tác động cơ học của quá trình cố ý "đưa" bé ra khỏi bụng mẹ. Anh tự tay đóng quan tài cho bé, đào huyệt, xây lên những bức tường gạch cho bé một mái nhà yên nghỉ.

Cuộc thi viết “Lòng tốt quanh tôi” lần 3: Người lo nơi an nghỉ cho những linh hồn bé thơ- Ảnh 2.

Một góc nghĩa trang

Dừng khá lâu trước ngôi mộ một bé trai, anh Thân bồi hồi kể về trường hợp đặc biệt này. Hôm đó là sáng mùng 1 Tết, gia đình anh đang tề tựu chúc mừng năm mới, cô con gái lớn của anh vừa chúc đến câu "năm nay mong ba bớt việc với các em" thì điện thoại đổ chuông. Vì đã quen những cuộc gọi như vậy nên anh không chần chừ mà bắt máy. Anh vội chạy đến bệnh viện, thấy ba của bé ôm con ngồi co ro một góc. Bé được bọc tạm bằng khăn áo của người mẹ, đến chiếc tã cho con cũng không có.

Hai vợ chồng từ Phan Rang lên Cầu Đất làm thuê, vợ mang thai đến gần ngày sinh nở. Tối 28 tháng chạp, vợ bị té ra máu nhiều, chủ vườn sợ xui xẻo đuổi cả nhà đi mà không trả lương. Người chồng đưa vợ đi cấp cứu, vét hết số tiền chỉ được hơn 2 triệu đồng đủ đóng viện phí. Vợ nằm trong phòng uống nhờ sữa của những người xung quanh, còn người chồng uống nước lạnh cầm hơi. Đến gần giao thừa thì sinh nhưng bé đã không còn hơi thở.

Bệnh viện cho số điện thoại của anh Thân, đợi đến sáng, người cha mới dám gọi anh. Anh Thân đưa hai cha con về nhà từ đường của giáo xứ, khâm liệm rồi chôn cất bé. Những gia đình đi lễ đầu năm, nghe hoàn cảnh đã cùng quyên góp, anh Thân cũng góp phần, tổng cộng được hơn chục triệu đồng để người chồng cầm về lo cho vợ rồi dắt díu nhau về quê. Sau này, thỉnh thoảng vợ chồng họ vẫn chở nhau lên thắp hương cho con.

Đó là trường hợp hiếm hoi còn lui tới thăm nom hương khói. Bởi đa phần những trường hợp anh tiếp nhận đều không biết mẹ cha, người dân phát hiện thì gọi cho anh. Có trường hợp cha mẹ gửi anh chôn cất rồi mất dạng hoặc do hoàn cảnh quá nghèo không có điều kiện đến thăm nom. Cuối tuần, các giáo dân thường đến cắm hoa, thắp hương, riêng anh cứ hai ba hôm lại đến nghĩa trang quét dọn, chăm sóc "mái nhà" của các bé như một thói quen, rì rầm trò chuyện như người cha trò chuyện với con mình.

Không đành bỏ mặc

Về cơ duyên nào khiến anh bỏ tâm sức và tiền bạc để làm việc này? Anh kể cách đây hơn 10 năm, Đà Lạt cũng có nhóm người thực hiện việc chôn cất nhưng không duy trì lâu được. Cuối năm 2019, cha xứ Đinh Minh Hoàng của giáo xứ Vạn Thành thấy nghĩa trang bỏ trống, gợi ý anh Thân chọn làm nơi an nghỉ cho thai nhi.

Nghe cha nói, anh đồng ý ngay. Ban đầu có sơ Thủy và sơ Hồng cùng làm, sau một năm thì sơ Hồng chuyển đi nơi khác, chỉ còn anh, sơ Thủy và người tài xế đi nhận các bé. Cha Hoàng và giáo xứ lo phần vật tư mộ, còn quan tài cùng những thứ khác trong lúc khâm liệm thì anh Thân tự xoay xở. Anh chỉ vài ngôi mộ có kích cỡ khá to, cho biết: "Những lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm, nên xây cái mộ nào cũng to đùng. Ca đầu tiên thì đào cái huyệt không vừa, anh cùng cha xứ phải nhấc lên xây lại, vừa làm vừa khấn "con thông cảm nha"...".

Hiện khu nghĩa trang đã quy hoạch có hàng có lối, ngay ngắn trật tự. Với thai nhi từ 4 tháng tuổi trở lên thì cho con vào quan tài và xây mộ riêng, dài 0,8 m, ngang 0,6 m, sâu 1,2 m. Với tuổi thai nhỏ hơn thì cho vào hũ sành, mộ là các ô liền.

Cuộc thi viết “Lòng tốt quanh tôi” lần 3: Người lo nơi an nghỉ cho những linh hồn bé thơ- Ảnh 3.

Những ngôi mộ được xây sẵn

Mỗi ca tiếp nhận, anh đều tỉ mỉ ghi thông tin, ngày giờ lưu lại để cung cấp cho người thân các bé sau này. Mãi đến năm 2023, mới có người tài trợ quan tài, anh không phải tự tay đóng nữa.

Anh kể có ca nhận lúc 2 giờ từ bệnh viện, thai lưu, mẹ là người dân tộc thiểu số đang nguy kịch, gia đình quá nghèo không lo được nơi an nghỉ. Lúc đó trời đổ mưa to, anh mặc áo mưa, một tay chạy xe, một tay ôm bé giữa đêm giông gió, đem về khâm liệm và chôn cất dưới màn mưa trắng xóa.

Ca xa nhất là ở thị trấn (nay là xã Nam Ban - Lâm Hà), cách nơi anh sống gần 30 km. Có lần con gái lớn đưa cả nhà đi Nha Trang nhưng vừa tới nơi lại có điện thoại, anh liền quay về lúc 19 giờ để lo cho bé. Anh chia sẻ thêm ngoài những trường hợp đáng thương cũng có nhiều trường hợp đáng trách. Sau 4 tháng gửi con cho anh, người mẹ gọi lại nghi ngờ anh không chôn cất, anh phải đưa người mẹ này đến tận mộ. Có trường hợp bé gái mới 15 tuổi mang thai 4 tháng, tự phá rồi cùng bà ngoại lén chôn trộm. Sau 2 tháng, anh biết tin, tìm được người nhà, giảng giải việc nghĩa để người nhà đồng ý cho anh mang hài nhi đi chôn.

Trường hợp khác là bé gái tuổi vị thành niên, sống với bạn trai mang song thai rồi bị sẩy, liên hệ anh nhờ chôn cất. Một năm sau, bé gái lại tiếp tục sẩy thai khác. Anh yêu cầu gặp gia đình, làm công tác tư tưởng và "đe dọa" sẽ không tiếp nhận thêm ca nào của người mẹ trẻ này nữa.

Còn không ít câu chuyện dưới từng nấm mộ khiến người nghe không khỏi bùi ngùi. Xót thương cho những linh hồn bé bỏng, chưa kịp nhìn thấy ánh sáng thế gian đã mãi chìm khuất dưới lòng đất lạnh. Nhưng cũng thấy an ủi phần nào, khi các con có nơi an nghỉ cho giấc ngủ thật dài.

Tôi hỏi chuyện thì được biết gia đình anh Thân từ miền Bắc đến Đà Lạt sinh sống và gắn bó từ năm 1978. Gia đình nghèo khó, anh xa mẹ từ lúc 2 tuổi, sống nhờ nhà bác dâu, trải qua nhiều khổ cực, đến những năm cuối thập niên 1990 thì bắt đầu trồng hoa, cả cuộc đời gắn với mảnh vườn. Phải lo kinh tế gia đình, công việc tất bật từ sáng sớm đến chiều tối nhưng hễ điện thoại gọi "có ca" là anh đi ngay... 

Mọi người cùng nhau làm âm thầm lặng lẽ, vì anh sợ nhiều người lợi dụng kêu gọi quyên góp trục lợi.

Chung tay của người vợ

Chia sẻ công việc với anh Thân, chị Nguyễn Thị Kim Thoa - SN 1974, vợ anh - cho biết: "Mình không phụ lo cho các bé ấy được thì lo việc nhà cho anh yên tâm. Mà hay lắm, lần nào anh đi lo việc thì y như rằng sẽ có người phụ mình làm vườn. Bí quá thì gọi bạn bè, ai cũng sẵn lòng hỗ trợ". Đằng sau tiếng cười, tôi nhìn thấy niềm tự hào lấp lánh trong đôi mắt chị khi kể về công việc của anh - người xây "mái nhà" cho những linh hồn thơ bé.

Cuộc thi viết “Lòng tốt quanh tôi” lần 3: Người lo nơi an nghỉ cho những linh hồn bé thơ- Ảnh 4.


Cuộc thi viết “Lòng tốt quanh tôi” lần 3: Người lo nơi an nghỉ cho những linh hồn bé thơ- Ảnh 5.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo