Đó là chia sẻ của nhiều học sinh lớp 12 khi chứng kiến xu hướng phát triển của những ngành "hot" ngày càng lên ngôi. Nhà nhà, người người quan tâm học công nghệ thông tin, marketing, quan hệ công chúng, kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng,…

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, tư vấn chọn nghề, chọn ngành cho học sinh TP HCM
Em Minh Thanh, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận, cho biết rất đam mê toán học, mong muốn phát triển và nghiên cứu thêm nhiều công thức mới. Tuy nhiên, gia đình không ủng hộ vì cho rằng ngành học này mang tính lý thuyết, quá trừu tượng, lo lắng không thể xin việc làm sau khi ra trường.
Tương tự, em Quốc Chính, học sinh Trường THPT Tân Bình, cho biết cũng đang cân nhắc giữa ngành vật lý học và marketing.
Chia sẻ băn khoăn này, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết vài năm trước nhà trường rất vất vả để tuyển sinh ngành vật liệu kim loại.
"Sự xuất hiện của tuyến đường sắt metro hiện đại đã làm thay đổi cách nhìn nhận về tầm quan trọng của ngành này. Học sinh bắt đầu nhận ra rằng, để đoàn tàu vận hành êm ái, trơn tru thì vai trò của chuyên gia về nhóm ngành này cực kỳ quan trọng. Bỗng dưng ngành vật lý kim loại được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm trong năm nay"- PGS Thắng cho biết.
Theo PGS Thắng, chiến lược giáo dục của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Học sinh tham gia chương trình Đưa trường học đến thí sinh tại tỉnh Long An để chọn ngành, nghề phù hợp
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông - Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho biết hiện nay học sinh giỏi chọn ngành khoa học cơ bản để học tập ở bậc đại học vẫn còn nhưng chỉ là số ít, giảm rất nhiều so với trước kia. Đa số học sinh giỏi ưu tiên các ngành "hot" như công nghệ thông tin, kinh tế, y dược,… Đây là những ngành này gắn với cơ hội việc làm, thu nhập cao và cơ hội đi nước ngoài học tập cao.
"Người trẻ "quay lưng" với khoa học cơ bản là do họ không thấy rõ mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tế. Vì thế, các trường đại học nên thiết kế chương trình học gắn liền với ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn, vật lý gắn với năng lượng tái tạo, hóa học với vật liệu mới hoặc toán học với trí tuệ nhân tạo, để thu hút học sinh, sinh viên quan tâm"- ThS Sơn nói thêm.
Mới đây, để phát triển nhân tài khoa học lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học liên ngành, ĐHQG TP HCM đã đề xuất miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học theo học các ngành này.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng nhấn mạnh, một ngành học có thể làm nhiều nghề và một nghề thì có rất nhiều ngành tham gia. Ngày trước, khoa học cơ bản chỉ tập trung nghiên cứu cơ bản, ngày nay đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng. Nhóm ngành học này đã và đang góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước, hoàn toàn có thể mang đến nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Bình luận (0)