Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP E-paper

Tư vấn trực tuyến: Đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng để trúng tuyển ĐH

Nhóm Phóng viên

(NLĐO)- Tại chương trình, đại diện các trường ĐH tại TP HCM sẽ đưa ra lời khuyên giúp thí sinh có những điều chỉnh nguyện vọng thông minh và hiệu quả nhất

Vào lúc 14 giờ ngày 24-7, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình Talkshow - Tư vấn trực tuyến chủ đề: "Điều chỉnh nguyện vọng để chống trượt ĐH".

Chương trình được tổ chức vào thời điểm chỉ còn 4 ngày nữa là kết thúc (17 giờ ngày 28-7) đợt đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2025.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 1.

Chương trình tư vấn bắt đầu

Tham gia chương trình có các chuyên gia tuyển sinh:

- PGS- TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM;

- ThS Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc Điều hành Trường ĐH Văn Hiến;

- ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài Chính - Marketing;

- ThS Chung Quốc Phong, Trưởng Phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Ngoại ngữ- Tin học TP HCM;

- Cô Nguyễn Thị Hoàng Nga - Phụ trách truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành;

Tại chương trình, đại diện các trường ĐH sẽ cung cấp thông tin nóng hổi, cập nhật xu hướng điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển sinh, cách tính điểm ưu tiên và đặc biệt là các chiến lược điều chỉnh nguyện vọng khôn ngoan để thí sinh không bị rớt oan uổng chỉ vì một vài sai sót kỹ thuật.  

Thí sinh, phụ huynh quan tâm có thể đặt câu hỏi để được các chuyên gia, đại diện các trường ĐH giải đáp.


-Bộ GD-ĐT đã công bố điểm sàn khối ngành sức khoẻ và đào tạo giáo viên và hầu như các trường ĐH cũng đã công bố điểm sàn. Nhìn chung, điểm sàn ở nhiều trường ổn định và có xu hướng giảm so với năm ngoái. Vì sao điểm sàn năm nay lại giảm?

-ThS Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong thời điểm hiện nay, thí sinh và phụ huynh rất quan tâm đến điểm sàn.

Cần lưu ý, điểm sàn không phải là điểm trúng tuyển, bởi nhiều thí sinh hỏi em bằng điểm sàn vậy có trúng tuyển không? Điểm sàn là mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ, điểm chuẩn phụ thuộc nhiều yếu tố như lượng thí sinh đăng ký, điểm của thí sinh, chỉ tiêu…

Điểm sàn các trường giảm tuỳ thuộc nhiều yếu tố như điểm trung bình chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay thấp hơn năm 2024.

Để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu và rộng cửa hơn cho thí sinh đăng ký xét tuyển nên các trường giảm điểm sàn ở mức phù hợp nhất.

Thí sinh cũng lưu ý thêm là ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm các phương thức khác ở các trường khác có thể khác nhau. Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh các trường để có chiến lược đăng ký phù hợp nhất.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 2.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng

-Cô Nguyễn Thị Hoàng Nga: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã công bố điểm sàn khối sức khoẻ và các ngành khác theo các phương thức xét tuyển (xem tại ntt.edu.vn)

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay thấp ở các môn nên điểm sàn thấp. Tuy vậy, thí sinh không nên chủ quan điểm sàn thấp mà ước lượng điểm chuẩn thấp vì điểm chuẩn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 3.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Nga

-ThS Nguyễn Đỗ Tùng: Ảnh hưởng trực tiếp đến điểm sàn thấp là do điểm thi của thí sinh thấp. Khi số lượng thí sinh điểm cao thấp hơn năm ngoái thì các trường phải hạ sàn để tập trung thí sinh vào trường.

Các trường ĐH công lập sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nên điểm sàn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm. Tuy vậy, các phương thức khác như xét học bạ điểm sàn vẫn ổn định. Phương thức xét học bạ khá linh hoạt vì thí sinh có nhiều đầu điểm để quy về các tổ hợp môn xét tuyển. Do vậy, thí sinh hãy cân nhắc kỹ lưỡng khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng.

Tại Trường ĐH Văn Hiến, điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ ổn định nhiều năm qua.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 4.

ThS Nguyễn Đỗ Tùng

 -Như quý thầy, cô đã phân tích, điểm thi năm nay của thí sinh thấp hơn năm ngoái nên điểm sàn cũng giảm theo và nhiều khả năng điểm chuẩn cũng giảm. Các thầy, cô có thể cho biết phân khúc điểm chuẩn nào của năm trước sẽ giảm nhiều nhất, mức giảm có thể là bao nhiêu?

-PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ: Năm nay có nhiều thay đổi, nhất là năm đầu tiên thi theo chương trình GDPT mới, cách thức tuyển sinh với những phương thức đổi mới, đa dạng. Chính điều này đã khiến nhiều thí sinh và phụ huynh cảm thấy khó hiểu, tâm lý lo lắng.

Phân khúc điểm chuẩn nào của năm trước sẽ giảm nhiều nhất là câu hỏi rất khó trả lời.

Các trường ĐH hiện nay xây dựng phương pháp quy đổi điểm rất đa dạng, đối sánh giữa các phương thức xét tuyển rất nhiều loại, áp dụng từng ngành, từng trường, từng chương trình đào tạo.

Một điểm cần lưu ý nữa là tổng số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành, từng trường là bao nhiêu nên không thể khẳng định được ngành nào tăng hay giảm.

Chúng ta biết được điểm thi THPT là bao nhiêu điểm, điểm thi ĐGNL, điểm thi V-SAT, bảng bách phân vị của Bộ GD- ĐT. Dù các phương thức có khác biệt, nhưng chúng ta cũng có góc nhìn rõ ràng hơn.

Hiện nay, thứ tự đặt nguyện vọng rất quan trọng. Chính bản thân thí sinh là người hiểu rõ nhất năng lực của mình ở nhóm điểm nào mà chọn vị trí đặt nguyện vọng phù hợp.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 5.

PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ

-ThS Chung Quốc Phong: Tổ hợp có môn toán và tiếng Anh chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Chính vì vậy, các trường sẽ phải cân nhắc điều chỉnh điểm chuẩn năm nay. Bằng chứng cụ thể là điểm sàn ở một số ngành có những môn này đã có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, điểm sàn thấp nhưng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đông cũng có khả năng sẽ khiến điểm chuẩn tăng hơn so với năm 2024.

Năm nay, tất cả các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh không nên chỉ tập trung xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà có thể đăng ký xét tuyển theo nhiều phương thức đa dạng khác, góp phần tăng cơ hội trúng tuyển ĐH vào ngành mơ ước.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 6.

ThS Chung Quốc Phong

-Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung số lượng nguyện vọng từ ngày 16 đến 17 giờ ngày 28/7. Vậy ở thời điểm này, thí sinh cần làm gì? Khi nào cần điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng?

-ThS Nguyễn Thị Kim Phụng: Hiện nay, thí sinh đang bước vào giai đoạn đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển ĐH trên hệ thống của Bộ GD-ĐT với thời hạn kéo dài đến 17h00 ngày 28-7. Đây là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự chủ động, cẩn trọng và có chiến lược rõ ràng từ các em.

Ở thời điểm này, thí sinh cần rà soát kỹ thứ tự các nguyện vọng đã đăng ký, cân nhắc thêm — bớt hoặc điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp với mức điểm thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm năm nay cũng như điểm sàn của các ngành, trường mà các em quan tâm. Việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng phải thể hiện đúng nguyện vọng ưu tiên thực sự, bởi mỗi thí sinh chỉ được xét trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất đủ điều kiện.

Việc điều chỉnh hoặc bổ sung nguyện vọng nên thực hiện càng sớm càng tốt, đặc biệt là sau khi đã phân tích bách phân vị, điểm chuẩn những năm trước và các yếu tố liên quan như học bổng, cơ hội việc làm, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế gia đình....

Tránh đợi đến sát thời hạn mới thao tác vì có thể gặp trục trặc kỹ thuật hoặc bỏ lỡ thời cơ điều chỉnh phù hợp.

Khuyến khích các em mạnh dạn lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có sự phân nhóm nguyện vọng thành 3 mức: nguyện vọng mơ ước - ngành mình mong muốn vào - trường mình mong muốn vào. khả thi - ngành và trường mình cảm thấy mong muốn vừa phải và có độ tương đối an toàn và an toàn - là những ngành và trường mình thấy điểm đó đảm bảo an toàn tuêc khả năng trúng tuyển cao.

Đồng thời, cần đảm bảo việc lưu và xác nhận thông tin chính xác trên hệ thống để tránh những sai sót không đáng có.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 7.

Các chuyên gia đang tư vấn

-PGS- TS Trương Nguyễn Luân Vũ: Trong thời điểm hiện tại và trong những ngày tới đến trước 17 giờ ngày 28-07. Các thí sinh cần lưu ý những việc sau:

Kiểm tra lại một các cẩn thận nhất danh sách nguyện vọng đã đăng ký bằng việc đăng nhập vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT để xem lại thứ tự nguyện vọng, mã trường, mã ngành, tổ hợp xét tuyển đã đăng ký. Đảm bảo không có gì sai sót.

Nghiên cứu kỹ thông tin tuyển sinh cập nhật từ trường: Xem công bố điểm sàn, phương pháp tính điểm xét tuyển, cách quy đổi điểm giữa các tổ hợp xét tuyển của từng ngành, từng chương trình đào tạo (CTĐT) mà mình đăng ký theo học. Bên cạnh việc tham khảo thêm bảng bách phân vị và bảng so sánh điểm trung bình học bạ 3 năm THPT và điểm trung bình tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ GD-ĐT và của từng trường để có thể xác định rõ hơn mức điểm của mình đang thuộc nhóm nào, từ đó chọn ngành, CTĐT và trường phù hợp với năng lực của mình.

Xác định nhu cầu điều chỉnh: Hiện nay thí sinh còn 4 ngày trong giai đoạn chính thức được phép điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng. Lưu ý là không có giới hạn số lần điều chỉnh, thứ tự nguyện vọng, số lượng nguyện vọng. Thí sinh nên điều chỉnh/bổ sung nguyện vọng trong giai đoạn này nếu: Điểm xét tuyển theo từng ngành, từng trường mà thí sinh muốn ứng tuyển cao hơn (muốn bổ sung thêm nguyện vọng vào các trường/ngành tốt hơn, có điểm chuẩn cao hơn so với nguyện vọng đã đăng ký ban đầu) hoặc thấp hơn kỳ vọng (muốn bổ sung thêm nguyện vọng vào các trường/ngành an toàn hơn, có điểm chuẩn thấp hơn, nằm phía dưới trong danh sách nguyện vọng để đảm bảo trúng tuyển).

Nếu thi sinh có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng thì hãy khẩn trương làm ngay. Hệ thống có thể quá tải gần ngày cuối. Hãy hành động ngay trong những ngày này để có danh sách nguyện vọng tối ưu nhất, thứ tự nguyện vọng phù hợp nhất, để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành/trường mong muốn của mình. Chúc các bạn thí sinh vượt vũ môn thành công!

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 8.

Các chuyên gia đang tư vấn

-Nhiều thí sinh thường có tâm lý muốn 'liều' với những ngành học có điểm chuẩn cao hơn năng lực của mình. Các trường có lời khuyên gì để giúp các em tránh việc 'trượt oan' vì đặt nguyện vọng quá cao hoặc quá thấp?

-Cô Nguyễn Thị Hoàng Nga: "Liều" để lựa chọn nguyện vọng là hành động thiếu chiến lược, thiếu khôn ngoan.

Khi chọn nguyện vọng, cần có chia thành từng nhóm nguyện vọng phù hợp.

Tôi hoàn toàn thông cảm cho thí sinh giai đoạn này chịu rất nhiều áp lực từ phía gia đình, bạn bè, xã hội. Tuy nhiên, thí sinh cần phải chọn nguyện vọng vì bản thân và khả năng hiện tại. Nếu chọn sai, thí sinh sẽ đánh đổi rất nhiều tiền bạc, công sức, thời gian…

Thay vì chọn những nguyện vọng quá sức, thí sinh cần tham khảo vào các số liệu điểm chuẩn trong 3 năm qua, tham khảo ý kiến của thầy cô, chuyên gia.

Hiện tại, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang có hỗ trợ tư vấn 1:1, thí sinh có nhu cầu có thể liên hệ để được các chuyên gia tư vấn cặn kẽ.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 9.

Các chuyên gia đang tư vấn

-ThS Nguyễn Đỗ Tùng: Lựa chọn nguyện vọng không phải là chọn ngành dễ đậu nhất, cũng không phải là chọn ngành "hot" nhất. Đó là quá trình cân nhắc giữa năng lực thực tế, sở thích cá nhân và chiến lược xét tuyển. Nếu đặt sai thứ tự, chọn sai ngành, thí sinh có thể mất cơ hội dù điểm không hề thấp.

Do đó, khi thực hiện lựa chọn nguyện vọng, thí sinh nên nhìn nhận những yếu tố sau:

- Hiểu rõ năng lực bản thân thông qua kết quả của học bạ, điểm thi tốt nghiệp, điểm ưu tiên, điểm cộng và các tổ hợp xét tuyển để xác định khả năng thực tế của bản thân.

- So sánh điểm sàn với điểm chuẩn các năm trước để khoanh vùng các ngành có điểm chuẩn gần bằng hoặc thấp hơn điểm xét tuyển của mình.

- Chia nguyện vọng thành 3 nhóm:

+ Nhóm 1 (Ưu tiên cá nhân): Ngành yêu thích, điểm chuẩn phù hợp.

+ Nhóm 2 (Vừa sức): Ngành có điểm chuẩn gần với điểm xét tuyển của bản thân. 

+ Nhóm 3 (An toàn): Ngành có điểm chuẩn thấp hơn, đảm bảo không trượt.

Sau đó, sắp xếp theo thứ tự mong muốn học tập, không phải theo độ dễ đậu. Nguyện vọng 1 nên là ngành mình muốn học nhất.

Không nên "liều" với ngành có điểm chuẩn cao hơn năng lực, trừ khi có cơ sở rõ ràng như điểm chuẩn có xu hướng giảm, hoặc có phương thức xét tuyển khác hoặc thí sinh có điểm ưu tiên cao và có điểm thưởng cao theo quy chế của Bộ GD-ĐT.

Xin được tiếp tục với PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ: Đặc thù là trường kỹ thuật hàng đầu, nhiều thí sinh có điểm cao thường có xu hướng đăng ký vào. Vậy, đối với những thí sinh có điểm không quá cao nhưng vẫn muốn theo đuổi khối ngành kỹ thuật, quý trường có lời khuyên nào về việc điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển? Những ưu tiên nào của trường đối với nữ khi theo đuổi khối ngành kỹ thuật?

PGS- TS Trương Nguyễn Luân Vũ: Trường ĐH Sư pham Kỹ thuật TP HCM sẽ tuyển sinh hơn 7.000 chỉ tiêu.

Theo tôi, điểm chuẩn năm nay sẽ không giảm, thậm chí một số ngành "hot" có tỉ lệ cạnh tranh cao, có khả năng sẽ tăng nhẹ.

Để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, thí sinh có thể lựa chọn xét tuyển và nhiều chương trình đạo tạo khác nhau hoặc lựa chọn những ngành gần nhau.

Vì dụ, trong nhóm đào tạo ngành cơ khí, ngành kỹ nghệ gỗ và nội thất, có điểm chuẩn dao động từ 20-21 điểm. Đây là ngành có mức điểm chuẩn trung bình nhưng cơ hội việc làm cao.

Ngoài ra, một số ngành liên quan vật liệu, xây dựng có nhiều ngành trong khoảng 20 điểm.

Chúng ta không nên cứ chăm chăm vào những ngành "hot" có độ cạnh tranh cao như robot, trí tuệ nhân tạo. Chúng ta có thể cân nhắc chọn thêm nhiều trường ĐH khác có đào tạo nhóm ngành kỹ thuật nhưng mức điểm chuẩn "dễ thở" hơn.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 10.

Các chuyên gia đang tư vấn

-Các ngành khối kinh tế - tài chính luôn có sức hút lớn và mức độ cạnh tranh cao. Quý trường có thể phân tích xu hướng điểm chuẩn các ngành mũi nhọn trong những năm gần đây và đưa ra lời khuyên cho thí sinh về việc sắp xếp nguyện vọng liên quan đến các ngành "hot" này? Những thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Tài chính – Marketing thì cần lưu ý những vấn đề quan trọng nào?

-ThS Nguyễn Thị Kim Phụng: Một điểm thí sinh cần lưu ý cho mùa tuyển sinh 2025 là sự thay đổi trong chương trình đào tạo đối với 4 ngành trọng điểm đã nêu (Marketing, kinh doanh quốc tế, tài chính ngân hàng, quản trị Kinh doanh).

Nếu như năm 2024 trở về trước, chúng tôi có đào tạo chương trình chuẩn, chương trình tích hợp và tiếng Anh toàn phần thì từ năm học năm nay 4 ngành trọng điểm này chỉ tuyển sinh ở chương trình tích hợp và chương trình tiếng Anh toàn phần. Do đó, trên hệ thống đăng ký của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ không tìm thấy bốn ngành này ở chương trình chuẩn.

Sự thay đổi này có thể khiến một số thí sinh lo lắng khi không thấy chương trình chuẩn quen thuộc. Tuy nhiên, đây là đề án tuyển sinh chính thức của trường và thí sinh cần nắm rõ để đăng ký nguyện vọng phù hợp nhất. Biên độ dự đoán điểm chuẩn cho 4 ngành này trong năm 2025 vẫn sẽ ổn định, dù có thể có khả năng giảm nhẹ.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 11.

Các chuyên gia đang tư vấn

-Ngành ngôn ngữ và công nghệ thông tin đang là hai ngành có nhu cầu nhân lực cao. Quý trường có thể chia sẻ về sự giao thoa giữa hai lĩnh vực này trong các chương trình đào tạo của trường và gợi ý cách thí sinh có thể kết hợp nguyện vọng để tối ưu cơ hội trúng tuyển và phát triển nghề nghiệp? Thực tế đào tạo của hai ngành học này tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM:

-ThS Chung Quốc Phong: Ngôn ngữ, văn hóa và công nghệ thông tin (CNTT) là hai lĩnh vực đào tạo chủ lực tại Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP HCM (HUFLIT), hướng đến mục tiêu trang bị cho sinh viên những công cụ chiến lược để hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên số.

Tại HUFLIT, có sự phân biệt rõ ràng giữa các chương trình đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ và các chương trình sử dụng ngoại ngữ như một công cụ học tập.

Với nhóm ngành ngôn ngữ, sinh viên có thể lựa chọn các chuyên ngành như ngôn ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn. Bên cạnh đó, HUFLIT cũng cung cấp các chương trình đào tạo khác như truyền thông, du lịch, khách sạn, quản trị kinh doanh, marketing..., trong đó chuyên ngành được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Đặc biệt, các chương trình này còn tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số vào giảng dạy, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn thành thạo các công cụ công nghệ cần thiết.

Sự đa dạng và đan xen giữa các ngành học giúp sinh viên HUFLIT có cơ hội cạnh tranh cao trên thị trường lao động.

Đối với nhóm ngành CNTT, HUFLIT đào tạo các chuyên ngành như CNTT, kỹ thuật phần mềm, AI và cả thương mại điện tử. Việc đưa thương mại điện tử vào lĩnh vực đào tạo của Khoa CNTT nhằm tăng cường hàm lượng công nghệ cho sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử đang là một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ.

Với hai công cụ chiến lược này, sinh viên HUFLIT khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh với thị trường lao động bên ngoài. Sinh viên có thể sử dụng ngôn ngữ và kiến thức chuyên môn để làm việc ở nước ngoài, kết nối với các quốc gia, các công ty đa quốc gia và làm việc trong các tập đoàn lớn. Hoặc với kiến thức về công nghệ, sinh viên có thể làm việc tích hợp các ngành nghề với nhau.

-Với định hướng đào tạo đa ngành, quý trường có những ngành học nào đang có mức điểm chuẩn tương đối ổn định hoặc có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai mà thí sinh có thể cân nhắc để điều chỉnh nguyện vọng, đặc biệt là những thí sinh muốn tìm kiếm ngành học phù hợp với năng lực và sở thích? Trường ĐH Văn Hiến có những ngành học nào mà cơ hội trúng tuyển và cơ hội việc làm cao để thí sinh có thể cân nhắc?

-ThS Nguyễn Đỗ Tùng: Trường ĐH Văn Hiến có 43 ngành thuộc 12 lĩnh vực khác nhau. Điều này cho thấy thí sinh hoàn toàn có thể lựa chọn được nhiều ngành nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại.

Tôi khẳng định điểm chuẩn năm nay Trường ĐH Văn Hiến sẽ giữ ở mức ổn định, không có chênh lệch nhiều. Quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, du lịch… là những ngành thí sinh quan tâm nhiều tại trường. Nếu thí sinh đã chọn được ngành phù hợp tại trường có thể tự tin chọn làm nguyện vọng 1.

Ở nhóm ngành ngôn ngữ, truyền thông, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao, thậm chí sinh viên chưa tốt nghiệp đã có việc làm ổn định.

Ngoài ra, nhà trường rất chú trọng liên kết với các doanh nghiệp giúp tăng cơ hội thực hành và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

-Bên cạnh việc cân nhắc điểm số, thí sinh cần lưu ý thêm những yếu tố nào khi điều chỉnh nguyện vọng để đảm bảo chọn được ngành học và môi trường phù hợp với bản thân nhất? Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thì có những thế mạnh nào để có thể thu hút thí sinh?

-Cô Nguyễn Thị Hoàng Nga: Điểm số là điều kiện cần nhưng chưa đủ để đảm bảo các em sẽ học tốt, học vui và học có ích ở môi trường ĐH.

Để đưa ra quyết định phù hợp, các em nên cân nhắc thêm các yếu tố bổ trợ khác như: Đam mê và sở thích cá nhân, các em hãy chọn ngành bạn có thể học bền bỉ và tự tin, chứ không chỉ là ngành theo phong trào. Có thể đó là một ngành thí sinh thích nhưng nếu không phù hợp với sở trường, bạn dễ mất động lực giữa chừng.

Thí sinh nên tìm hiểu và ưu tiên những ngành vừa phù hợp với bản thân vừa có tính ứng dụng cao và gắn với nhu cầu thị trường.

Tìm hiểu về môi trường học tập và trải nghiệm thực tế, trường ĐH có tạo điều kiện thực hành – thực tập – doanh nghiệp đồng hành hay không? Có môi trường sinh hoạt học thuật, câu lạc bộ, kỹ năng mềm tốt không?

Một ngôi trường tốt không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn giúp bạn trưởng thành về tư duy, kỹ năng và định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, những thông tin chính sách, học bổng, học phí của từng trường cũng là một trong số các yếu tố để các em cân nhắc trong việc lựa chọn và điều chỉnh nguyện vọng.

Năm 2025, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tặng 2.000 suất học bổng nhập học trước 15-9-2025 với giá trị lên đến 17 triệu đồng/suất dành cho thí sinh trúng tuyển vào trường bằng nguyện vọng 1.

Chọn ngành là chọn hướng đi, chọn trường ĐH là chọn bạn đồng hành. Hy vọng các bạn sẽ chọn đúng ngôi trường mơ ước.

-Đối với những thí sinh đang phân vân giữa nhiều ngành hoặc nhiều trường, các trường có thể đưa ra lời khuyên gì để các em có thể yên tâm với quyết định của mình?

-ThS Chung Quốc Phong: Muốn lựa chọn đúng ngành, trúng tương lai, thí sinh cần phải trả lời những câu hỏi này: Mình yêu thích điều gì? Mình có tố chất gì? Mình muốn làm công việc gì trong tương lai?

Khi chọn ngành đúng với sở thích và năng lực, bạn mới có thể học tốt và theo nghề dài lâu. Ngược lại, dù vào một trường "hot", nhưng học ngành "trái tim không rung động" thì sớm muộn cũng bỏ cuộc. Ngoài ra yếu tố của xu hướng ngành nghề trong 5 -> 10 năm tới cũng tác động không nhỏ đến việc lựa chọn nghề nghiệp, các em cũng nên lựa chọn các ngành có cơ hội phát triển tốt và có tiềm năng trong tương lai.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần cân nhắc đến mức học phí, vị trí địa lý, môi trường học tập và đặc biệt là phù hợp với mức điểm của bản thân để xét tuyển an toàn. Nên chọn các trường có đa dạng chính sách ưu đãi hoc phí và hỗ trợ sinh viên để học phí không còn là nỗi lo.

ĐH không phải "đích đến" mà là "điểm xuất phát". Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần rèn kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tư duy công nghệ, khả năng thích nghi với sự biến đổi của thị trường lao động.

-PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ: Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tôi nhận thấy việc định hướng đúng ngành học đam mê mới tăng cơ hội thành công trong tương lai. Đậu ĐH  không khó nhưng tìm và đậu đúng ngành học mơ ước mới khó. Thí sinh không nhất thiết phải trúng tuyển vào trường ĐH tốp đầu thì mới thành công, đó là quan điểm sai lầm.

Theo tôi, chẳng có ngành nào là ngành "hot". Ngành mà thí sinh chọn đúng ước mơ, đam mê, phù hợp năng lực thì đó mới là "hot".

-Cô Nguyễn Thị Hoàng Nga: Thời điểm này, thí sinh phân vân và lo lắng là điều hiển nhiên. Thí sinh lo lắng, chứng tỏ thí sinh đang nghiêm túc cho con đường học vấn của tương lai. Chỉ có hứng thú, có động lực thì mới vượt qua khó khăn trong suốt 4 năm học tập.

Theo tôi, chọn đúng hướng đi, thí sinh mới tạo ra được giá trị của bản thân cho xã hội. Mỗi người đều có 1 hành trình, đó là quyết định của bản thân chứ không chịu tác động bởi ai cả.

-ThS Nguyễn Đỗ Tùng: Bắt đầu từ chính mình là điểm xuất phát quan trọng nhất. Mình không thể thành công bằng sự lựa chọn của người khác. Chúng ta có thể lắng nghe nhiều lời khuyên nhưng chỉ có thể đưa ra 1 lựa chọn.

Chọn đúng ngành rất khó, nếu không chọn được ngành yêu thích cụ thể thì thì sinh nên lựa chọn ngành rộng, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau này và va chạm nhiều công việc hơn. Từ đó, có thể tìm ra đúng ngành nghề mình yêu thích.

-ThS Nguyễn Thị Kim Phụng: Mỗi 1 người sẽ có điểm mạnh khác nhau. Nếu chưa chọn được ngành, chúng ta có thể dựa vào mạnh đó để tìm xem những mối tương quan ở các ngành nghề. Hy vọng thí sinh có thể chọn đúng ngành ngành, phù hợp với điều kiện kinh tế và cân bằng với đam mê của tương lai.

Sau đây là phần giao lưu trực tuyến.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 12.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 13.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 14.

Tư vấn trực tuyến: Đừng chần chừ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ĐH - Ảnh 15.

Các chuyên gia đang trả lời giao lưu trực tuyến

 

Gửi câu hỏi Phỏng vấn trực tuyến
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo