Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9-4 đã hoãn áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam 90 ngày, đồng thời Việt Nam - Mỹ thống nhất khởi động đàm phán thỏa thuận thương mại (TTTM) đối ứng.
Minh bạch chuỗi cung ứng
GS-TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá Mỹ hoãn áp thuế là cơ hội tốt, đồng thời 90 ngày là một khoảng thời gian đủ để cho Việt Nam tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ, làm rõ những vấn đề mà Tổng thống Donald Trump còn quan ngại. Theo GS-TS Phạm Hồng Chương, điều quan trọng nhất là sự minh bạch, điều này thể hiện ngay trong đàm phán thương mại Việt - Mỹ vừa qua, khi Mỹ còn băn khoăn về vấn đề gian lận thương mại (GLTM). Vì vậy, việc tăng cường minh bạch sẽ giúp Việt Nam khắc phục được những hạn chế và có một lợi thế tốt hơn, vị trí tốt hơn trong đàm phán thương mại với Mỹ.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa theo quy định pháp luật Việt Nam và không để những việc đáng tiếc có thể xảy ra. Liên quan vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể, chống hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt. Để đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Điện tử Việt Nam (VEIA), nhấn mạnh Việt Nam cam kết minh bạch chuỗi cung ứng và chống chuyển tải. Về chứng minh nguồn gốc xuất xứ, VEIA có thể phối hợp với Chính phủ cung cấp dữ liệu minh bạch về chuỗi cung ứng ngành điện tử, chứng minh rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không phải là hàng chuyển tải từ Trung Quốc - một trong những mối quan ngại lớn của Mỹ. Cùng với đó, hiệp hội đề xuất Chính phủ siết chặt quản lý xuất xứ (C/O), áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và hợp tác với hải quan Mỹ để loại bỏ nghi ngờ về GLTM.
GS-TS Phạm Hồng Chương phân tích sự minh bạch cũng cần đi đôi với ứng dụng công nghệ. Theo đó, công nghệ cần được đẩy mạnh áp dụng trong quản lý kinh tế xuất nhập khẩu hàng hóa, thông qua vận hành hệ thống hải quan, thuế… Theo ông Chương, nguyên liệu sản xuất không phải một nước sản xuất từ đầu đến cuối nhưng chắc chắn phần giá trị gia tăng phải được tạo ra nhiều ở Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ để Mỹ xem xét đánh thuế.

Nhiều sản phẩm điện tử đang có kim ngạch xuất khẩu tỉ USD vào thị trường Mỹ
Số hóa để ngăn gian lận
Trong 3 tháng đầu năm 2025, Bộ Công Thương cho biết tiếp tục điều tra 3 vụ việc chống bán phá giá, 3 vụ việc rà soát cuối kỳ và 3 vụ việc rà soát biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (BPPVTM) - đã khởi xướng trong năm 2024, trong đó đã hoàn thành 1 vụ việc rà soát.
Hiện có 9 BPPVTM có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu và 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm thép bao gồm thép mạ và thép cán nóng. "Các BPPVTM đã và đang góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội" - báo cáo Bộ Công Thương nêu rõ. Trong bối cảnh mới, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định xuất xứ hàng hóa là công cụ vừa để giúp DN tận dụng cơ hội từ hiệp định thương mại tự do (FTA), vừa là công cụ phòng chống GLTM, bảo vệ sản xuất trong nước. "Do vậy, Bộ Công Thương luôn chú trọng công tác xuất xứ hàng hóa, tăng cường và siết chặt kiểm soát xuất xứ hàng hóa nhằm ngăn GLTM, bởi điều này ảnh hưởng rất lớn đến cách đối xử của đối tác thương mại với hàng hóa Việt Nam" - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.
Một trong những giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra là hoàn thiện quy định, pháp luật, trong đó, cơ quan này đang kiến nghị sửa đổi Nghị định 31 năm 2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa để phù hợp với thực tế biến động, bảo đảm đồng thời mục tiêu kiểm soát và thúc đẩy xuất xứ hợp pháp. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khâu cấp C/O. Điều này giúp DN rút ngắn thời gian, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt gian lận xuất xứ. Trong thời gian tới, bộ sẽ xây dựng một website riêng về xuất xứ hàng hóa. "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về xuất xứ hàng hóa cho DN; tăng cường kiểm tra giám sát, phối hợp với đối tác nước ngoài để xử lý các vấn đề chống gian lận xuất xứ" - ông Hải cho biết.
Theo ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý DN (Bộ Công Thương) - để giúp các cơ quan chức năng, hiệp hội, DN chuẩn bị tốt hơn trước nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh, Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật danh sách, đăng tải thông tin cảnh báo sớm các mặt hàng có khả năng bị nước ngoài điều tra trên trang thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại và của Bộ Công Thương, đồng thời gửi thông báo đến các cơ quan, hiệp hội liên quan.
Việt Nam - Mỹ khởi động đàm phán
Chiều 9-4 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.
Phó Thủ tướng đề nghị hai nước cần sớm đàm phán một TTTM song phương nhằm tạo khuôn khổ lâu dài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ổn định, cùng có lợi, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đại diện Thương mại Mỹ nhất trí hai bên khởi động đàm phán về một TTTM đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay. Dịp này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chứng kiến trao các bản ghi nhớ hợp tác tổng trị giá 860 triệu USD giữa Vietjet và Vietnam Airlines với đối tác Mỹ.
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: "Chúng tôi cho rằng quyết định của Mỹ ngừng đánh thuế đối ứng trong 90 ngày đối với các mặt hàng xuất khẩu của các nước sang Mỹ, trong đó có Việt Nam là bước đi tích cực. Trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Việt Nam sẽ cùng Mỹ tiến hành đàm phán về một TTTM đối ứng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm đạt được các giải pháp thỏa đáng hướng đến thương mại công bằng, bền vững và đáp ứng lợi ích của người dân và DN hai nước". D.Ngọc
Bình luận (0)