icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mạng lưới giao thông hiện đại của Bình Dương

Bài và ảnh: THANH THẢO

Các tuyến đường vành đai và cao tốc đã, đang được đầu tư sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương

Bình Dương đang triển khai 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm là đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và đường Vành đai 4 - TP HCM.

Mạng lưới giao thông hiện đại

Mới đây, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã phát lệnh khởi công dự án đường Vành đai 4 - TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết dự án đường Vành đai 4 - TP HCM là công trình giao thông trọng điểm quốc gia có chiều dài toàn tuyến khoảng 207 km; đoạn qua địa bàn tỉnh là 47,8 km, quy mô 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. 

Giai đoạn 1, đầu tư đường cao tốc 4 làn xe đầy đủ, bao gồm làn dừng khẩn cấp liên tục với bề rộng nền đường 25,5 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; đầu tư đoạn từ Khu Công nghiệp VSIP 2A đến Khu Công nghiệp Mỹ Phước 3 đồng bộ theo quy mô 62 m, 10 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Trước đó, vào đầu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã phát lệnh khởi công dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đây là trục cao tốc Bắc Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường Vành đai 4 - TP HCM, Vành đai 3 - TP HCM, dẫn đến đường Vành đai 2 - TP HCM), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). 

Đoạn qua Bình Dương có điểm đầu tại đường Vành đai 3 - TP HCM thuộc địa phận TP Thuận An; điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án). Tổng chiều dài tuyến khoảng 52,159 km; quy mô đường cao tốc; vận tốc thiết kế 100 km/giờ; qua địa giới hành chính các huyện, thành phố: Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng.

Ông Võ Văn Minh cho rằng đường Vành đai 4 - TP HCM kết hợp với các tuyến đường Vành đai 3 - TP HCM, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh kết nối đi Tây Ninh, Mộc Bài, các tỉnh miền Tây và các tuyến đường chủ lực như đường ĐT743, ĐT746, ĐT747B, tổng hòa lại tạo nên một mạng lưới giao thông hoàn thiện, hiện đại, cũng như đóng vai trò chiến lược quan trọng, là trục xương sống Đông Tây kết nối các cực phát triển của tỉnh và vùng giúp nhanh chóng kết nối về cảng biển, sân bay quốc tế như: Cảng Cái Mép - Thị Vải, Sân bay Long Thành.

Cả hai dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Bình Dương cũng như toàn vùng Đông Nam Bộ. Đây không chỉ là trục giao thông chiến lược giảm tải cho Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn mà còn là bước đột phá trong xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng và hệ sinh thái công nghiệp - đô thị hiện đại mà Bình Dương đang định hình.

Mạng lưới giao thông hiện đại của Bình Dương- Ảnh 2.

Đoạn đường Vành đai 4 - TP HCM hiện hữu đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay

Người dân đồng thuận cao

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Dương, dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua 4 địa phương: TP Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng với chiều dài 45,659 km.

Ông Nguyễn Văn Toàn Nhỏ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương, cho biết so với nhiều dự án, công tác bồi thường, giải phóng dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có nhiều thuận lợi vì nhận được sự đồng thuận lớn của đa số các hộ dân. Địa phương đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tích cực vận động, tuyên truyền rộng rãi và công khai các chính sách hỗ trợ cho người dân, cũng như lợi ích của dự án.

Bà Nguyễn Thị Hoạt, ngụ ấp 1, xã Tân Long, huyện Phú Giáo, chia sẻ nhận thấy được lợi ích của dự án, gia đình bà đã quyết định ủng hộ chủ trương của Nhà nước và đồng ý bàn giao mặt bằng dù chưa nhận tiền bồi thường. Bà mong muốn các hộ gia đình nằm trong diện giải tỏa của dự án vì lợi ích chung của tỉnh, sớm bàn giao mặt bằng để dự án được nhanh chóng triển khai hoàn thành.

Trong khi đó, dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước dài gần 7 km, đi qua xã Nha Bích và phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành. Diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 87 ha, ảnh hưởng đến khoảng 325 hộ dân, nhiều nhất là ở phường Minh Thành. 

Trong đó, 90 trường hợp sẽ được tái định cư tại khu dân cư Thành Tâm, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành. Việc các hộ dân xung phong nhận tiền đền bù sớm là sự ủng hộ lớn lao, góp phần quan trọng giúp dự án triển khai và hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 9-2026, để kết nối đồng bộ với đoạn qua Bình Dương và TP HCM. 

Ông Kanazawa Tomoaki, Trưởng Văn phòng điều hành Tập đoàn NTT e-Asia Corp tại Bình Dương kỳ vọng khi đường Vành đai 4 - TP HCM hoàn thành doanh nghiệp sẽ có nhiều lựa chọn khi di chuyển đến các cảng biển, sân bay và rút ngắn được thời gian. Bởi lẽ, hiện nay tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn được xem như là trục xương sống kết nối đến các cảng và sân bay nhưng luôn trong tình trạng quá tải dẫn đến ùn tắc.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo