Tại đường ngang dân sinh giao nhau giữa đường Lương Văn Can với đường sắt Bắc - Nam tại Km 690+380, những người đi xe máy đứng đợi nhau để vượt "chướng ngại vật" trong sự lo sợ xảy ra tai nạn. Từ xa, tiếng còi tàu vọng tới khiến nhiều người thót tim. May mắn chiếc xe máy "cà tàng" của người đàn ông vẫn "gắng sức" vượt "cạn" thành công. Không lâu sau, đoàn tàu SE lao tới.
Những người dân sống ở khu vực này nói rằng họ thường xuyên chứng kiến những cảnh thót tim như vậy và cũng có nhiều lần xảy ra tai nạn ở đây. Ông Nguyễn Bá Phúc, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, cho rằng đây là điểm đen tai nạn giao thông đường sắt. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại vị trí này bởi đây là đường ngang dân sinh tự mở, không có rào chắn, không có cảnh báo tàu tự động. Ở giữa đường sắt chỉ có những tấm đan bê-tông bằng sắt lót cho xe máy, xe đạp, người đi bộ băng qua.

Đoạn đường ngang, lối mở tự phát ở đường Lương Văn Can
Theo quan sát, đoạn đường ngang tự mở này nằm trong khu vực đô thị nên hai bên bị che khuất tầm nhìn do những ngôi nhà cao tầng. Mặt khác, bình diện độ dốc đường bộ với đường sắt khá lớn, cao khoảng 1 m nên người điều khiển phương tiện xe máy phải chạy tốc độ cao lấy đà mới qua được. Vì vậy, nhằm hạn chế nguy cơ tai nạn xảy ra tại điểm đen này, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên đã cắm các biển cảnh báo tàu; trên tuyến đường sắt đoạn gần điểm giao cắt này, các bảng kéo còi đều được bố trí để lái tàu cảnh báo tàu đến.
Ông Phúc cho biết việc mở đường ngang có gác chắn ở đây không phù hợp theo quy định vì bình diện độ dốc giữa đường sắt với đường bộ khá lớn. Thay vào đó, đã có kiến nghị với chính quyền địa phương mở hầm chui nhưng chưa thấy triển khai.
Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên quản lý đoạn đường sắt qua 2 địa phương là tỉnh Quảng Trị và TP Huế, gồm đường ngang, trong đó có 44 đường ngang có gác chắn, 70 cảnh báo tự động. Mặc dù trong những năm qua Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên đã nỗ lực đầu tư hệ thống đường gom, rào chắn, xóa bỏ 22 đường ngang dân sinh nhưng hiện vẫn còn 61 đường ngang tự mở. Nguy hiểm nhất là các đường ngang trong đô thị có nguy cơ tai nạn cao hơn vì bị khuất tầm nhìn.
"Chính quyền địa phương quản lý những đường ngang dân sinh. Khó khăn nhất là người dân không hợp tác, nhiều đường dù rào lại nhưng họ vẫn đi ngang qua cho tiện. Việc mở đường có gác chắn rất khó khăn vì các quy định hạn chế mở" - ông Phúc nói thêm.
Ngày 24-2, tại buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), UBND TP Huế cũng kiến nghị các bộ, ngành khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng các hầm chui, đường ngang để phát huy hiệu quả của các đường gom do địa phương xây dựng nhằm xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở. Theo đó, Ban An toàn giao thông TP Huế đề xuất xây dựng mới 5 hầm chui, 4 đường ngang, 20 tuyến đường gom dài 11,67 km để nối vào các hầm chui, đường ngang có gác chắn hoặc đường ngang có cảnh báo tự động, cần chắn tự động.
Bình luận (0)