xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHỮNG NGƯỜI "ĐÀO MÓNG, XÂY NHÀ" CHO TP HCM (*): Gương sáng của thế hệ trẻ

THANH HIỆP - PHAN ANH - THÁI PHƯƠNG - HUỲNH NHƯ

Họ luôn hết lòng với khoa học, nỗ lực vì TP, cống hiến bằng sự sáng tạo hay miệt mài nâng đỡ những số phận thiệt thòi..., là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là một trong số ít người trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử nước nhà ở cả hai thế kỷ. Nay, dù ở tuổi 105 nhưng ngày nào ông cũng tận dụng từng chút thời gian, tỉ mỉ ghi chép tư liệu quý giá.

Động lực lớn

Bên cạnh các hoạt động ý nghĩa, trong nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa lý, ông Nguyễn Đình Tư cho ra đời nhiều cuốn sách thể hiện sự nghiêm túc và tìm tòi công phu như "Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954)", "Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục", "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954)"... 

Trong đó, "Đường phố nội thành TP HCM" nhận giải thưởng của Hội Khoa học Lịch sử TP HCM.

Lãnh đạo Báo Người Lao Động trong một lần tới thăm nhà nghiên cứu  Nguyễn Đình Tư   Ảnh: TẤN THẠNH - HOÀNG TRIỀU -  HUỲNH NHƯ

Lãnh đạo Báo Người Lao Động trong một lần tới thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư Ảnh: TẤN THẠNH - HOÀNG TRIỀU - HUỲNH NHƯ

Một trong nhiều dấu ấn lớn được đánh giá là rất quan trọng, giúp giới nghiên cứu có cơ sở hệ thống địa lý, lịch sử một cách khoa học trong giai đoạn xây dựng đô thị hướng đến kỷ nguyên mới là bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TP HCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020). 

Chia sẻ về công trình đồ sộ này, tác giả - đồng thời cũng là người đề xuất tên hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết muốn cung cấp thêm góc nhìn toàn diện, giúp các bạn trẻ nghiên cứu, tìm hiểu và yêu thêm lịch sử, địa lý của thành phố mình đang sinh sống.

Ông đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh "Người có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung đặc biệt giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chỉ của các vùng miền, tỉnh, thành phố của Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã xuất bản".

Nhắc đến thành tựu này, nhà nghiên cứu cho hay tất cả đều nhờ nhân dân TP HCM. "Nếu không có động lực từ nhân dân khiến tôi phải đêm ngày làm việc để ghi chép cho đúng, cho thế hệ mai sau có luận cứ mà nói với bè bạn quốc tế về thành phố của mình thì có lẽ tôi đã không làm được" - ông bộc bạch.

Luồng gió mới của báo chí

Ông Trần Bạch Đằng (1926-2007) là nhà lãnh đạo, nhà báo tầm vóc. Tên thật là Trương Gia Triều, ông tham gia cách mạng từ khi 17 tuổi. Năm 1946, ở tuổi 20, ông được giao phụ trách tờ "Chống Xâm Lăng" của Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951, ông làm Tổng Biên tập báo "Nhân Dân Miền Nam" của Trung ương Cục Miền Nam.

Không chỉ là một chiến sĩ cách mạng kiên trung trong thời kỳ kháng chiến, ông còn là nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn lớn có nhiều đóng góp sâu sắc trong việc xây dựng nền văn hóa mới, đặc biệt ở TP HCM sau ngày 30-4-1975.

Với tầm nhìn xa, tư duy cùng ngòi bút báo chí sắc bén, ông Trần Bạch Đằng được đánh giá luôn tiên phong trong phản ánh, định hướng dư luận, cổ vũ giá trị tiến bộ, phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và khát vọng đổi mới của nhân dân.

Tác phẩm "Đổi mới - Đi lên từ thực tế" của ông là công trình chính luận đồ sộ cổ vũ nhân tố tích cực, ủng hộ sự đổi mới từ cơ sở. Trong đó, ông thể hiện thái độ thẳng thắn, quyết liệt trong đấu tranh với tư tưởng bảo thủ, trì trệ, "quan liêu bao cấp"... Chính tinh thần ấy đã thổi luồng sinh khí mới vào báo chí, văn hóa, tư tưởng thời kỳ đầu Đổi mới (từ 1986).

Toàn tâm, toàn ý cho thành phố

Hơn 30 năm qua, dù ở cương vị công tác nào, TS Trần Du Lịch cũng thể hiện tinh thần nhiệt tình phục vụ cho sự phát triển của TP HCM nói riêng và đất nước nói chung.

Ông đề xuất hoặc tham gia đề xuất nhiều mô hình thí điểm như phát triển kinh tế ngoài quốc doanh; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; mở trung tâm giao dịch chứng khoán; quỹ đầu tư phát triển đô thị; xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế - giáo dục; mô hình kích cầu đầu tư... Ông cũng là người chủ trì soạn thảo nhiều chính sách và giải pháp phát triển kinh tế cho thành phố trong nhiều năm.

TS Trần Du Lịch

TS Trần Du Lịch

Với trách nhiệm Đại biểu Quốc hội và Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM khóa IX, XII và XIII, TS Trần Du Lịch có nhiều đóng góp về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. 

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Du Lịch nói rằng TP HCM là quê hương thứ hai của mình - nơi ông có những may mắn và cả cái duyên được làm việc, đóng góp và cống hiến.

Sau khi nghỉ hưu từ tháng 8-2016, ông vẫn miệt mài đóng góp khi tư vấn cho thành phố nhiều cơ chế chính sách phát triển kinh tế và quản lý đô thị trong những vai trò khác nhau, như Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội...

Chặng đường 30 năm gắn bó với mảnh đất TP HCM, TS Trần Du Lịch chia sẻ rằng mỗi nhiệm vụ được giao ông đều dành toàn tâm, toàn ý, không ngại khó, ngại khổ. "Tuy còn nhiều vấn đề tồn tại nhưng sự phát triển của thành phố trong 50 năm qua, với diện mạo đô thị như hiện nay, rất đáng tự hào. Và tôi cũng thấy tự hào trong sự phát triển vượt bậc đó, có một chút đóng góp của mình" - TS Trần Du Lịch thổ lộ.

Mái ấm nghĩa tình

Rời quân ngũ sau hơn 40 năm cống hiến với 11 vết thương và nhiều danh hiệu như Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng..., Thiếu tướng sinh năm 1949 Trần Ngọc Thổ, còn được gọi với tên thân thương "Tám Thổ", tiếp tục hăng say "mặt trận" mới - cuộc chiến vì quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Cảm nhận nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cả nước, đặc biệt là TP HCM có hơn 20.000 người khuyết tật do di chứng chất độc này đang sống trong cảnh vất vả, vị Thiếu tướng đã nhiều đêm trăn trở để rồi có những hành động thiết thực.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Từ năm 2009, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ giữ vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (2009 - 2023). 

Với phương châm "Hội phải là chỗ dựa tin cậy, là mái ấm nghĩa tình của các nạn nhân", ông luôn trực tiếp tìm hiểu hoàn cảnh của từng người để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp và thiết thực.

Bên cạnh việc vận động chính sách, ông Tám Thổ đặc biệt chú trọng huy động nguồn lực xã hội. Với ông, hiệu quả hoạt động không nằm ở những con số khô khan mà là sự thay đổi tích cực đời sống của nạn nhân. 

Gần 10 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM đã vận động được hơn 55 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa 46 căn nhà, cấp gần 2.000 suất học bổng, hỗ trợ vốn sản xuất, tặng sổ tiết kiệm, tổ chức khám chữa bệnh, cấp hàng chục ngàn suất quà vào dịp lễ, Tết và Ngày Vì Nạn nhân chất độc da cam (10-8)… Không chỉ hỗ trợ vật chất, hội còn chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho các nạn nhân. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-4.

Niềm tự hào của gia đình

Gặp cô Trần Hồng Ánh, con gái của cố nhà báo Trần Bạch Đằng, trong những ngày tháng 4 lịch sử, phóng viên Báo Người Lao Động càng ngưỡng mộ một người chiến sĩ cách mạng kiên trung trong thời chiến lẫn thời bình.

Một tấm ảnh về gia đình nhà báo Trần Bạch Đằng (Ảnh tư liệu gia đình).

Một tấm ảnh về gia đình nhà báo Trần Bạch Đằng (Ảnh tư liệu gia đình).

Không dùng mỹ từ để nói về ba mình nhưng trong ánh mắt, giọng nói của cô luôn ánh lên một niềm tự hào. "Ba là người có tầm nhìn xa, thông minh, sâu sắc, đặc biệt là rất nhạy bén với thời cuộc. Ba có một niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng mà mình đã chọn. Có những thời điểm thăng trầm, ba vẫn bình tĩnh nhìn thấu thời cuộc, luôn chọn tin Đảng, theo Đảng" - cô Ánh bộc bạch.

Chính niềm tin ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến cô. "Tôi đi dạy học, tôi trở thành đảng viên... có lẽ vì tôi đã thấm được từ ba mình một lý tưởng sống chân thành và bền bỉ" - cô Ánh chia sẻ.

Trong lòng con gái, ông Trần Bạch Đằng là một người đàn ông lớn trong cả sự nghiệp lẫn tư tưởng, nhưng trên hết, ông là người chồng, người cha mẫu mực, đáng kính và đầy yêu thương.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo