xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHỮNG NGƯỜI "ĐÀO MÓNG, XÂY NHÀ" CHO TP HCM (*): Tỏa sáng y đức, khoa học

NGUYỄN THẠNH - HẢI YẾN - HUẾ XUÂN

Xuất phát từ những trăn trở trước mỗi số phận thiệt thòi, niềm đam mê khoa học và mong muốn cống hiến cho quê hương..., nhiều cá nhân đã tạo nên kỳ tích

Nhắc đến GS-TS-BS Trần Đông A là nhớ đến những ca phẫu thuật đi vào lịch sử y học.

Viết nên điều kỳ diệu

Từ cách nay gần 40 năm (1988), ca phẫu thuật ghi dấu ấn của GS-TS-BS Trần Đông A là tách cặp song sinh Việt - Đức, trong bối cảnh nền y tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn. Thời điểm đó, cả thế giới chỉ có 6 ca mổ song sinh dính liền được thực hiện thành công và mổ tách cặp song sinh Việt - Đức là ca thứ 7.

GS-TS-BS Trần Đông A (thứ 5 từ trái sang) trong ca tách cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố năm 2020 Ảnh: NGUYỄN THẠNH

GS-TS-BS Trần Đông A (thứ 5 từ trái sang) trong ca tách cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố năm 2020 .Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Từ ca phẫu thuật lịch sử với hơn 60 y - bác sĩ, trở thành tâm điểm quốc tế này, năm 1991, sách Kỷ lục Guinness vinh danh ông. Báo chí nước ngoài đã bình luận Ca mổ Việt - Đức tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) ngoài tài năng của ê-kíp phẫu thuật còn là bài học về những điều kỳ diệu của cuộc sống, bài học về lòng kiên định, sự quyết tâm của ngành y tế Việt Nam... Bởi, ca mổ đã được thực hiện trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của Việt Nam, về mọi mặt…

Năm 2020, GS-TS-BS Trần Đông A tiếp tục ghi dấu ấn lớn khi giữ vai trò cố vấn chuyên môn cho ca mổ bóc tách dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM).

Ca mổ là một trong 10 sự kiện nổi bật của TP HCM và cũng là sự kiện tiêu biểu trong top 10 sự kiện khoa học - công nghệ vào năm đó. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận với tên "Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y - bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh".

Không dừng lại ở những kỷ lục, thầy thuốc Trần Đông A còn đóng góp không mệt mỏi trong việc xây dựng các Luật Y tế, Luật BHYT, Luật Ghép tạng… Ông được trao tặng Huân chương Lao động, danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vì những cống hiến to lớn. Đến nay, dù ở tuổi ngoài 80 song ông vẫn như "cánh chim không mỏi", miệt mài dành tâm trí cho nghề và truyền năng lượng cho thế hệ trẻ.

Lòng nhân ái của "Nobel châu Á"

Ở tuổi 82 nhưng với GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ TP HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) - trái tim, khối óc vẫn chưa ngơi nghỉ.

Ở tuổi 82, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn miệt mài phụng sự cộng đồng  Ảnh: HẢI YẾN

Ở tuổi 82, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn miệt mài phụng sự cộng đồng Ảnh: HẢI YẾN

GS Phượng không chỉ là người đặt nền móng cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam mang lại hy vọng cho hàng chục nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn, mà còn là người gần 50 năm không ngừng nghỉ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Năm 2024, bà được vinh danh tại Giải thưởng Ramon Magsaysay, được xem là "Nobel châu Á". Đây như một lời tri ân dành cho hành trình bền bỉ và nhân ái.

Kể về hành trình ấy, GS Phượng cho biết bà từng chứng kiến nhiều ca dị tật bẩm sinh nghiêm trọng tại Bệnh viện Từ Dũ. Những đứa trẻ thiếu tay chân, không có xương sọ… và cả những người mẹ tuyệt vọng là hình ảnh ám ảnh bà thời gian dài. 

Những năm từ sau 1965, số ca sinh con dị tật ngày càng nhiều khiến bà bắt đầu nghi ngờ, nghiên cứu, tìm nguyên nhân rồi dần nhận ra mối liên hệ giữa các dị tật bẩm sinh này với chất độc hóa học quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam. 

"Tôi còn sức thì tôi còn làm, hành trình vì nạn nhân da cam hay vì bệnh nhân hiếm muộn chưa bao giờ kết thúc. Bởi tôi tin bác sĩ là người chữa lành, không chỉ cơ thể mà cả những tổn thương sâu xa trong lòng người" - GS Ngọc Phượng bày tỏ.

Từ năm 1976, GS Phượng và đồng nghiệp thu thập bằng chứng khoa học. Họ đến các vùng bị rải chất độc nặng nề như ở Bến Tre, Cà Mau… có tỉ lệ thai chết lưu, trẻ khuyết tật, sẩy thai cao bất thường.

Những dữ liệu ấy sau này được GS Phượng công bố ở nhiều hội nghị quốc tế. Đến nay, cộng đồng khoa học quốc tế công nhận một số dị tật thường gặp ở nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam - trong đó có các trường hợp song thai dính liền.

"Chúng tôi mang các nghiên cứu, số liệu và cả hình ảnh những đứa trẻ đau đớn vì di chứng chiến tranh đi khắp thế giới đòi lại công bằng cho nạn nhân. Tại Hạ viện Mỹ, tôi từng đặt câu hỏi nếu đó là con họ thì sao, cả hội trường im lặng. Tôi không làm điều đó vì vinh quang, mà vì lương tâm một người thầy thuốc" - GS Phượng chia sẻ.

GS Phượng luôn tin rằng hành trình của mình không đơn độc. Bởi bên cạnh bà luôn có đồng nghiệp, bạn bè quốc tế và những nạn nhân chất độc da cam ở Làng Hòa Bình.

Khát vọng đóng góp

GS-TS Đặng Lương Mô năm nay gần 90 tuổi. Thời gian mỗi ngày của ông vẫn dành nhiều cho việc ngồi máy tính cập nhật thông tin, trao đổi chuyên môn cùng nhiều chuyên gia thế giới về vi mạch.

Từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba (Nhật Bản), nhiều trường đại học cùng học viện ở Việt Nam trong giai đoạn 1968-1974, từ năm 1976, ông đóng vai trò quan trọng trong Kế hoạch quốc gia Nhật Bản về vi mạch siêu vi mô (VLSI), góp phần giải quyết bài toán thu nhỏ kích thước transistor MOSFET. 

Nghiên cứu của ông đã dẫn đến công thức tính dòng điện MOSFET và được sử dụng trong bộ mô phỏng SPICE, một công cụ quan trọng trong thiết kế vi mạch toàn cầu.

Năm 1983, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Điện tử Tin học tại Đại học Hosei và tiếp tục có đóng góp. Ở thời kỳ đỉnh cao, có sự nghiệp và được nhiều người trong ngành kính nể thế nhưng ông quyết định trở về Việt Nam năm 2002. Hành trang trở về lần này chính là khát vọng cống hiến cho quê hương.

Về Việt Nam, ông tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu cao học tại Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, đồng thời làm Ủy viên Hội đồng Khoa học Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano, cố vấn cho Giám đốc ĐHQG TP HCM và là Ủy viên Hội đồng Khoa học Khu Công nghệ cao TP HCM.

Những đóng góp của GS-TS Đặng Lương Mô cho Việt Nam không chỉ giới hạn trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học. Ông còn có công trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch. Đây là nơi đã đào tạo ra hàng ngàn chuyên gia thiết kế vi mạch cho Việt Nam và thế giới, góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ vi mạch toàn cầu.

Giáo sư cũng có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa, văn học với mong muốn làm sâu đậm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Hơn 20 năm qua, ông phiên dịch nhiều tác phẩm có giá trị về văn hóa, văn học và lịch sử từ tiếng Nhật sang tiếng Việt và ngược lại. 

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-4

Thế giới vinh danh

Năm 2014, TP HCM ban hành Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ, GS-TS Đặng Lương Mô lúc bấy giờ đang đảm nhiệm vai trò cố vấn tại Khu Công nghệ cao. Ông đã có quyết định khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng là từ chối khoản lương 150 triệu đồng/tháng dành cho chuyên gia, nhà khoa học và chỉ nhận làm cố vấn thiện nguyện.

Tài sản của GS-TS Đặng Lương Mô gồm hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế

Tài sản của GS-TS Đặng Lương Mô gồm hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế

Đến nay, "gia tài" ấn tượng của giáo sư gồm hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông được trích đăng trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học Mỹ.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, GS Đặng Lương Mô được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học New York từ năm 1992, hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - điện tử - tin học (IEEE, Mỹ), nhận Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều giải thưởng, bằng khen.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo