xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHỮNG NGƯỜI "ĐÀO MÓNG, XÂY NHÀ" CHO TP HCM (*): Vun đắp nền tảng tinh thần

THANH HIỆP

Nhiều nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, ý chí và lao động nghệ thuật của người trẻ tại TP HCM

Tháng 5-1975, nhiều nghệ sĩ lớn của ngành sân khấu như Phùng Há, Năm Châu, Bảy Nam, Nam Sơn, Viễn Khách, Thu An, Huy Trường, Ngọc Linh, Viễn Điền, Ngọc Giàu, Hoa Phượng đều có mặt tại 81 Trần Quốc Thảo, nay là trụ sở của Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM, quận 3, TP HCM.

Niềm vui chung một mái nhà

Khi đó, nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Cương (NSND Kim Cương) cùng các thành viên trong Ban Văn hóa L.71 tiến hành hàng loạt đợt cứu trợ cần thiết cho giới nghệ sĩ nhằm không để sàn diễn ngơi nghỉ sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

NHỮNG NGƯỜI "ĐÀO MÓNG, XÂY NHÀ" CHO TP HCM (*): Vun đắp nền tảng tinh thần- Ảnh 1.

NSND Kim Cương và diễn viên Lương Thế Thành trong vở “Lá sầu riêng”. Ảnh: THANH HIỆP

Nhớ lại thời điểm ấy, nữ NSND sinh năm 1937 cho biết hầu hết văn nghệ sĩ bày tỏ phấn khởi khi nhiều đoàn nghệ thuật như Đoàn Cải lương Giải phóng, Đoàn Ca múa nhạc, Đoàn Văn công T.4 từ chiến khu về và hội tụ lực lượng nghệ sĩ tại chỗ trong ngày vui thống nhất. Mọi người đều dâng trào niềm xúc động khi sân khấu Nam - Bắc đứng chung dưới một mái nhà.

TP HCM sau sự kiện 30-4-1975 còn bộn bề. Nghệ sĩ sân khấu nhanh chóng nhận được sự định hướng đúng đắn của lãnh đạo thời đó để tự lực giải quyết nhu cầu được biểu diễn nhằm nuôi sống đời sống nghệ thuật. 

Vì vậy, bên cạnh công tác tư tưởng, định hướng mọi người làm nghề nghiêm túc, phát huy sáng tạo, vững vàng tìm lối đi cho các đoàn nghệ thuật, bà phân công các nghệ sĩ lo điểm diễn, tổ chức nơi ăn ở sinh hoạt.

NSND Kim Cương cho hay phấn khởi khi được góp phần với Thành ủy TP HCM thời đó thổi một luồng sinh khí mới cho toàn ngành sân khấu, nhất là khối nghệ thuật biểu diễn. 

"Sân khấu cách mạng đã thật sự định hướng đời sống sàn diễn. Kịch nói thời đó có thương hiệu Kim Cương, sau này thêm Cửu Long Giang, Bông Hồng, Hương Miền Nam, Kịch Trẻ… tất cả đã mở đường để những tác phẩm ca ngợi tinh thần hăng say lao động, xây dựng đất nước sau ngày thống nhất bằng trí tuệ và niềm tự hào" - NSND Kim Cương chia sẻ.

Là hiện thân của người nghệ sĩ "4 trong 1" gồm tác giả, đạo diễn, diễn viên chính và trưởng đoàn, NSND Kim Cương cũng là người góp sức xây nền tảng để các đạo diễn sân khấu phát huy nghề. Bà chủ động mời nhiều đạo diễn được đào tạo tại các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu về cách tân sân khấu. 

Giai đoạn 1975-1985 rực sáng các sàn diễn từ cải lương tới kịch với những tác phẩm như "Lỡ bước sang ngang", "Tấm lòng của biển", "Mái tóc người vợ trẻ", "Sau ngày cưới", "Vực thẳm chiều cao", "Bão biển"… đã minh chứng cho bước đi sáng tạo ấy.

Nhiều thông điệp đổi mới

Trong đợt xuất quân của các đơn vị nghệ thuật sau ngày 30-4-1975, cố danh cầm Bảy Bá (soạn giả, NSND Viễn Châu; tên thật Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924) là người tiên phong tham gia các chương trình quảng bá bài ca cách mạng trên sóng Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM.

Từng tham gia Đoàn Cải lương Sài Gòn 1, ban nhạc cổ do ông phụ trách đã làm thay đổi cục diện sân khấu chịu lối mòn trước đó. 

Với ông, âm nhạc cải lương là linh hồn. Để mở đường, xây nền móng cho âm nhạc cải lương mang khí thế hào hùng, tránh rơi vào bi lụy thì các nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn tranh, đàn kìm phải là những nhạc cụ chủ đạo. Từ quan điểm này, ông góp phần giúp sân khấu thăng hoa trên cơ sở đổi mới tư duy khối biểu diễn.

Soạn giả Viễn Châu tham gia trại sáng tác đầu tiên được tổ chức tại Vũng Tàu năm 1976, trong dàn cổ nhạc có sự góp mặt của nhiều danh cầm. Từ trại sáng tác này bộ mặt sân khấu TP thay đổi với nhiều kịch bản hấp dẫn khán giả, truyền đạt đến công chúng ý nghĩa xây dựng đất nước bằng khối óc, bàn tay lao động cần cù. 

Sự đoàn kết thống nhất của giới sân khấu đã đem lại niềm tin yêu cho nghệ sĩ làm nghề, trong đó về cổ nhạc ông được xem là thủ lĩnh.

Soạn giả Hoàng Song Việt nhớ lại văn nghệ sĩ được làm quen với sự đổi mới từ khâu đầu tư sáng tác kịch bản cho đến việc tiếp cận những vốn quý của khoa học kỹ thuật. "Công lao của bác Bảy Bá rất lớn" - soạn giả Hoàng Song Việt nói.

NHỮNG NGƯỜI "ĐÀO MÓNG, XÂY NHÀ" CHO TP HCM (*): Vun đắp nền tảng tinh thần- Ảnh 3.

Cố NSND Viễn Châu (bìa phải), cố GS-TS Trần Văn Khê trong chương trình “Làn điệu phương Nam” tổ chức năm 2006. Ảnh: NHẬT TÍN

Lời ca của trái tim quyện với tình yêu đất nước

Là tên tuổi kỳ cựu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, cố nhạc sĩ Xuân Hồng, tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh năm 1928, được công chúng gọi là nhạc sĩ của mùa xuân. Cách gọi thân thương ấy không chỉ vì ý nghĩa cái tên mà còn bởi mùa xuân là chủ đề ưa thích trong các sáng tác của ông.

Ông tham gia cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với nhiệm vụ giao liên và hoạt động văn nghệ ở chiến trường. Năm 1949, ông sáng tác những ca khúc đầu tiên.

Nếu chia nghiệp sáng tác của Xuân Hồng thành 2 thời kỳ thì "Bài ca may áo" là ca khúc mở màn cho hàng loạt các tác phẩm say sưa, ngập tràn tình yêu đất nước của người nhạc sĩ đang trong giai đoạn tuổi xuân phơi phới. 

Nhạc sĩ Xuân Hồng trải qua nhiều chức vụ quan trọng, bận rộn nhưng vẫn không quên dành cho âm nhạc những khoảng riêng qua nhiều ca khúc được khán giả yêu thích "Mùa xuân bên cửa sổ", "Cây đàn ghi ta của đại đội 3", "Người mẹ của tôi"...

Ông sáng tác bằng tình cảm tha thiết, mang đậm âm hưởng màu sắc Việt Nam và khả năng truyền cảm mạnh mẽ. Các ca khúc như "Xuân chiến khu" (1963), "Chiếc khăn tay" (1964), "Hành quân đêm" (1965), "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" (1966) đã được phổ biến rộng rãi khắp chiến trường.

Đến năm 1975, trong khí thế tưng bừng của ngày toàn thắng, ca khúc "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" ra đời, mở đầu cho thời kỳ sáng tác mới của Xuân Hồng.

Lịch sử âm nhạc Việt Nam ghi nhận những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Xuân Hồng. Những sáng tác của ông đã vượt ra khỏi khuôn khổ của âm nhạc thuần túy để đến với mọi người, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tinh thần nhiều thế hệ.

NHỮNG NGƯỜI "ĐÀO MÓNG, XÂY NHÀ" CHO TP HCM (*): Vun đắp nền tảng tinh thần- Ảnh 4.

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Ảnh: THANH HIỆP

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, đã nhận xét nhạc sĩ Xuân Hồng là điểm tựa bền bỉ cho phong trào sáng tác những ca khúc viết về TP HCM. 

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh khẳng định: "Từ những sáng tác của ông, chúng tôi có nền tảng dựa theo để soi chiếu, để tìm hiểu và nghiên cứu. Ông đã đặt nền tảng để âm nhạc cách mạng đi vào đời sống, trở nên quen thuộc với bao thế hệ yêu nhạc. Nói một cách nào đó thì ông là một trong số ít những ông Tổ của nhạc truyền thống cách mạng".

Còn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn kể khi Báo Người Lao Động tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui", ông đã nói trong chương trình Giao lưu âm nhạc do báo tổ chức rằng các nhạc sĩ trẻ hãy học từ nhạc sĩ Xuân Hồng, viết lời ca của trái tim cởi mở, tự hào và phơi phới hòa quyện với tình yêu đất nước.

Vinh danh sự cống hiến

Không chỉ người trong đoàn kịch nói Kim Cương, nghệ sĩ của nhiều đoàn hát khác từ cải lương, kịch nói cho đến ca múa nhạc đều gọi NSND Kim Cương là chị Hai, người chị cả thân thương luôn quan tâm họ sau ngày đất nước thống nhất.

Với tinh thần xông pha như ra trận, NSND Kim Cương làm công tác xã hội hơn 50 năm. Năm 2021, bà được Báo Người Lao Động vinh danh "Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng" trong Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 27.

Trong những ngày tháng 4 chào mừng sự kiện 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà tiếp tục cùng Hội Sân khấu TP HCM tổ chức đưa các đoàn nghệ sĩ lão thành, có hoàn cảnh khó khăn đi thăm khám, tầm soát tại nhiều bệnh viện. "Bởi, Báo Người Lao Động đã trao cho tôi giải Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng, nên đến thác tôi cũng phải hoàn thành trọng trách" - NSND Kim Cương đã nói.

Còn tiếp

____________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo