
NSƯT Xuân Hinh
"Tôi viết ra để trả nợ ân tình với cuộc đời này – đặc biệt là với văn hóa dân gian" – NSƯT Xuân Hinh nói về cuốn hồi ký "Kẻ chọc cười dân dã", một sự kiện đầy cảm xúc thu hút đông đảo bạn bè văn nghệ sĩ và khán giả, bạn đọc yêu mến ông.
Sau hơn bốn thập kỷ miệt mài với sân khấu hài dân gian, NSƯT Xuân Hinh chọn cách nhìn lại cuộc đời không bằng những cú giật gân hay câu chuyện thị phi, mà bằng chính dòng chảy mộc mạc, giản dị và sâu thẳm của văn hóa dân gian – thứ đã hun đúc nên một Xuân Hinh độc nhất, không thể trộn lẫn.
Nhớ mãi những lần ông vào TP HCM lưu diễn, gặp gỡ tôi ngồi trò chuyện, ông kể rất nhiều về cuộc đời mình. Đó là những ghi chép gắn chặt trong tim về một hành trình: sống, đi và quan sát, để từ đó đưa vào chất liệu sáng tạo, lẩy lên thành tiếng cười và quyện vào đời sống dân gian để cống hiến niềm vui cho công chúng.
Bạn diễn của ông nhiều, nhưng hễ "gắn" vào Hồng Vân thì ông lại có những kiểu "phiêu" rất khác, để cùng tung hứng tiếng cười.
Xuân Hinh - Hài không chỉ là để cười
Không phải ngẫu nhiên ông được gọi là "vua hài đất Bắc". NSƯT Xuân Hinh không diễn hài để khán giả cười rồi quên. Những vai diễn để đời của ông – như: "Thầy bói đi chợ", "Người ngựa, ngựa người", "Cu Sứt", "Lý Toét xử kiện"… – đều ẩn chứa sự quan sát thấu đáo, những nét trào lộng thâm trầm mà văn học dân gian từng làm được qua những nhân vật như: Trạng Quỳnh, Ba Giai – Tú Xuất.
"Cười là để nghĩ, để thương, để thấy mình trong đó. Tôi không bao giờ làm hài để hạ thấp người khác hay chạy theo thị hiếu rẻ tiền" – NSƯT Xuân Hinh nói.

NSƯT Xuân Hinh
Cuốn hồi ký không kể chuyện đời tư ồn ào. Nó như một tập tản văn nối dài, từng dòng chữ ngân lên những hồi tưởng, trăn trở và cả biết ơn.
Ở đó, có tiếng rao mảnh chợ quê, có tiếng trống chèo, có bụi đường làng, có một Xuân Hinh bé nhỏ mê hát từ những lần lén xem văn công, rồi từng bước bén duyên với con đường học nghề diễn viên.
Một nghệ sĩ không chạy theo "đỉnh cao"
Có thể nói, điều đặc biệt ở NSƯT Xuân Hinh là ông không đi theo con đường "ngôi sao sân khấu" kiểu hào nhoáng, cũng không bước ra khỏi khuôn khổ dân gian để "đổi mới" lấy thời thượng. Ông giữ nguyên căn cốt "người nhà quê", biến nó thành nguồn lực sáng tạo dồi dào, nuôi sống tiếng cười hàng chục năm.
Với quyển sách "Kẻ chọc cười dân dã", người đọc sẽ thấy cả một hành trình "chọc cười" nhưng đầy nghiêm túc. Ở đó có niềm tin rằng: chỉ khi yêu mến và hiểu sâu văn hóa dân gian, người nghệ sĩ mới có thể biến tiếng cười thành một thứ tiếng nói nghệ thuật – vừa dí dỏm, vừa nhân văn, vừa cảnh tỉnh xã hội mà vẫn giữ được cái duyên thuần Việt.
Hãy giữ gìn văn hóa dân gian
Không chỉ là chất liệu nghệ thuật, văn hóa dân gian với Xuân Hinh còn là lẽ sống. Ông từng bỏ tiền túi để làm lại những vở diễn cổ, mời nghệ sĩ chèo, quan họ cùng biểu diễn. Với ông, việc bảo tồn văn hóa dân gian không chỉ là trách nhiệm mà là sự chung tay gìn giữ văn hóa dân gian cho cộng đồng.
"Nếu không có văn hóa dân gian, tôi đã không là ai cả. Nó là chốn tôi đi về, là cái nôi tôi được sinh ra lần thứ hai – trong nghệ thuật" – ông viết trong sách.
NSƯT Xuân Hinh gửi lời tri ân đến khán giả – những người đã nuôi dưỡng "anh hề sân khấu", như cách ông tự gọi mình – bằng tình yêu văn hóa truyền thống.

NSƯT Xuân Hinh
Ông bảo: "Tôi viết một lần thôi. Không có tập 2 đâu. Mỗi người chỉ có một lần tổng kết đời mình bằng con chữ, nếu còn đủ tỉnh táo và lòng biết ơn".
Trong bối cảnh sân khấu truyền thống ngày càng ít đất sống, tiếng cười dân gian ngày càng bị lấn át bởi hài thị trường, hồi ký của NSƯT Xuân Hinh như một làn gió mới thổi vào ký ức văn hóa Việt.
Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, có 280 trang. Sách được đánh giá không ồn ào. Không "bán chuyện đời" nhưng để lại dư vị rất lâu – như chính những vai diễn của ông trên sân khấu.
Bình luận (0)