Một bản khắc đá cổ đại vừa được khai quật từ bờ Tây sông Nile, thuộc địa phận TP Aswan - Ai Cập, cho thấy thứ giống một chiếc thuyền cầu kỳ bên trên có một người ngồi trên bệ cao giống như một loại kiệu, xung quanh là người chèo thuyền và tùy tùng.
Các nhà khoa học nghi ngờ rằng đó có thể là hình ảnh mô tả Pharaoh Narmer mà họ tìm kiếm bấy lâu, hoặc ít nhất là một nhân vật cấp cao từ Vương triều thứ nhất còn nhiều bí ẩn.


Tảng đá bí ẩn được khai quật ở TP Aswan - Ai Cập và hình ảnh trên đá được các nhà khoa học vẽ lại - Ảnh: ĐẠI HỌC CAMBRIDGE/AKAP
“Thuyền là một trong những họa tiết xuất hiện thường xuyên nhất trong biểu tượng Ai Cập” - TS Dorian Vanhulle từ Bảo tàng Malgré-Tout (Bỉ), người đứng đầu nghiên cứu, giải thích.
TS Vanhulle cho biết trong thời kỳ Tiền triều đại và Nguyên triều đại (khoảng năm 4500-3085 trước Công nguyên), là giai đoạn báo trước thời kỳ rực rỡ của các pharaoh, hình ảnh con thuyền xuất hiện khắp nơi và mang những ý nghĩa phức tạp.
Để xác định niên đại gần đúng của tấm bảng, nhóm nghiên cứu đã đối chiếu hình ảnh chiếc thuyền trên đá với nhiều hình ảnh mô tả thuyền khác từ kỷ nguyên sơ khai nói trên.
Họ kết luận rằng tác phẩm chạm khắc này có thể có niên đại từ giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kỳ Nguyên triều đại và thời kỳ Sơ triều đại, tức thời điểm nhà nước Ai Cập sơ khai ra đời và trước khi các kim tự tháp được xây dựng rất lâu.

Văn minh Ai Cập cổ đại gắn liền với hình ảnh kim tự tháp. Tuy nhiên thời đại rực rỡ này đã bắt đầu từ vài thế kỷ trước khi các kim tự tháp ra đời - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Đáng chú ý, tác phẩm nghệ thuật này cho thấy sự tương đồng mạnh mẽ về mặt hình ảnh và biểu tượng với các tư liệu cổ từ cuối thời kỳ Nguyên Thủy cho đến thời Narmer, người được coi là pharaoh đầu tiên của Ai Cập.
Một chi tiết nổi bật là chiếc cằm thon dài của nhân vật đang ngồi, có thể ám chỉ đến bộ râu giả mà các vị pharaoh Ai Cập bắt đầu từ Vương triều thứ nhất đã sử dụng.
Chi tiết này ủng hộ ý tưởng rằng nhân vật đang ngồi đại diện cho một thành viên của tầng lớp cầm quyền đầu tiên của Ai Cập.
Đó có thể là chính pharaoh thứ nhất Narmer, thậm chí là một người cai trị Ai Cập trước cả ông.
Theo các tác giả, nghệ thuật trên đá ở Thung lũng Hạ sông Nile có tiềm năng giúp xác định và phân tích các hình thức quyền lực chính trị sớm nhất trong khu vực này, cũng như cách thức địa hình này được khai thác để thể hiện và củng cố quyền lực.
Bình luận (0)