Theo Bộ Nội vụ, trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường lao động - việc làm ghi nhận những tín hiệu tích cực. Cả nước có khoảng 52 triệu người có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp duy trì dưới 3%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29%.
Nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Tổng số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 875.293 lượt; có 390.548 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) - giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2024. Ngoài ra, có 8.740 người được hỗ trợ học nghề.
Bên cạnh số liệu của cơ quan quản lý, báo cáo mới nhất từ nền tảng tuyển dụng Việc Làm Tốt cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động trên toàn quốc tăng 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng không đồng đều, tập trung chủ yếu tại Trung Bộ và Nam Bộ - phản ánh xu hướng dịch chuyển sản xuất - kinh doanh sau sáp nhập hành chính. Ba ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất gồm: bán lẻ, nhà hàng - khách sạn và sản xuất.

Các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng cho kỳ sản xuất - kinh doanh 6 tháng cuối năm 2025
Ông Dương Việt Linh, Giám đốc kinh doanh Việc Làm Tốt, cho biết chỉ 31% doanh nghiệp (DN) trong ngành sản xuất tuyển đủ lao động. Số còn lại đang thiếu hụt từ dưới 30% đến trên 50% nhân sự; thậm chí, 18% DN báo cáo tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Hà Nội, trong tháng 6-2025, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tăng mạnh, ước tính hơn 68.000 vị trí cần tuyển, tăng đáng kể so với tháng trước. Sự gia tăng này cho thấy các DN đang tăng tốc tuyển người nhằm phục vụ kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong nửa cuối năm. Diễn biến này phản ánh tâm lý lạc quan trước các tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế, nhất là ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch và dòng vốn đầu tư tăng mạnh.
Mới đây, Trung tâm DVVL TP Hà Nội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, kết nối trực tuyến với 5 tỉnh lân cận. Phiên giao dịch thu hút 99 DN tham gia tuyển 15.659 chỉ tiêu ở các vị trí như: công nhân sản xuất, dệt may, kỹ thuật, nhân viên hành chính - văn phòng, bán hàng...
Tại TP HCM, Trung tâm DVVL thành phố cho biết đến hết tháng 6, trung tâm đã tổ chức 43 phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho hơn 141.000 người. Đồng thời, phối hợp với các DN có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để tư vấn, định hướng cho người có nhu cầu.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm DVVL TP HCM, cho hay trong tháng 7, trung tâm tổ chức thêm 8 phiên giao dịch việc làm, gồm 7 phiên "Ngày hội việc làm" trực tiếp và trực tuyến tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, cùng 1 phiên tại sự kiện "Ngày hội việc làm năm 2025". Dự kiến có khoảng 19.750 lượt người được tư vấn, trong đó khoảng 900 người nhận được việc.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, TP HCM ghi nhận 96.795 trường hợp được hưởng TCTN, giảm 25.205 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024. Số người có nhu cầu và được hỗ trợ đào tạo nghề đạt 3.523, tăng nhẹ so với năm trước.
Điều tiết hiệu quả cung - cầu
Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, tỉ lệ hồ sơ hưởng TCTN giảm là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động dần ổn định và người lao động (NLĐ) có xu hướng chủ động hơn trong việc học nghề, tìm việc làm thay vì chỉ nhận trợ cấp.
Dự báo trong quý III/2025, khu vực TP HCM (sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao gồm dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. "Tuy nguồn cung lao động được dự báo tăng nhờ sự dịch chuyển từ các khu vực mới sáp nhập, song trong ngắn hạn có thể xảy ra tình trạng lệch pha cung - cầu do yêu cầu kỹ năng thay đổi từ DN" - bà Hằng đánh giá.
Lãnh đạo Sở Nội vụ TP HCM cho hay với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau", thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối việc làm qua hình thức truyền thống và trực tuyến, tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ cho người thất nghiệp, NLĐ bị ảnh hưởng và sinh viên mới tốt nghiệp. Ngoài ra, TP HCM tăng cường liên kết với các địa phương và DN có vốn FDI, đẩy mạnh chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, mở rộng cơ hội việc làm bền vững.
Theo Bộ Nội vụ, từ nay đến cuối năm, bộ sẽ tập trung triển khai các chính sách ổn định thị trường lao động, thúc đẩy tạo việc làm cho người dân. Bộ đặt mục tiêu phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, liên thông đa tầng, đa ngành và hội nhập quốc tế, qua đó kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động.
Đồng thời, khuyến khích tạo việc làm ở cả khu vực công và tư, hỗ trợ NLĐ tìm kiếm, chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực. Bộ cũng sẽ theo dõi sát tình hình lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ, để kịp thời tham mưu các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết Luật Việc làm (sửa đổi) quy định đăng ký lao động gắn với cơ sở dữ liệu dân cư, làm nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, với số định danh cá nhân để cập nhật đầy đủ thông tin thị trường lao động. Điều này giúp xây dựng hệ thống dữ liệu lao động - việc làm, bảo đảm trong 5 năm tới sẽ quản lý được số lao động tham gia thị trường, tỉ lệ thất nghiệp mà không phải thực hiện điều tra.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng sàn giao dịch việc làm quốc gia và dự kiến tháng 9 năm nay khai trương, kết nối cung - cầu lao động. NLĐ có tài khoản và DN có dữ liệu sẽ đồng bộ, chấm dứt việc kết nối thủ công.
Bình luận (0)