Sáng 8-4, tại Bình Dương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã thăm và làm việc với Trường Đại học Việt Đức.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh hiện nay Việt Nam đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chip bán dẫn, AI, năng lượng tái tạo… và trung tâm tài chính là một trong những giải pháp như vậy.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trường Đại học Việt Đức đã có những nền tảng ban đầu của công nghệ mới, với những giáo sư hàng đầu về trung tâm tài chính và đặc biệt là dựa vào nền giáo dục, khoa học công nghệ hàng đầu thế giới là Đức.
"Mặc dù ra đời không lâu nhưng Trường Đại học Việt Đức đã đi tắt đón đầu, đuổi kịp và có thể vượt lên các đại học khác. Đây là điều mà không phải đại học nào cũng có; đáng chú ý, định hướng phát triển của nhà trường cũng phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới"- ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Chính phủ hoàn toàn đồng tình mục tiêu Trường Đại học Việt Đức sẽ trở thành trường hàng đầu, là ngọn hải đăng trong mối quan hệ Việt - Đức, có đóng góp lớn cho kinh tế- xã hội của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, sinh viên Trường Đại học Việt Đức khi ra trường không chỉ đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn trở thành những đại sứ trong mối quan hệ 2 đất nước. Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng gửi gắm Trường Đại học Việt Đức tham gia, hình thành, phát triển trung tâm tài chính tại TP HCM và TP Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thăm phòng thí nghiệm, phòng Lab của Trường Đại học Việt Đức
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng nhìn nhận để thu hút được nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, kinh nghiệm về trung tâm tài chính của Việt Nam chưa có nhiều, nhưng không có con đường nào khác, đó là phải triển khai trung tâm tài chính.
Việt Nam hiện đang trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật để hình thành trung tâm tài chính. Do đó, Chính phủ mong muốn các giáo sư của Trường Đại học Việt Đức góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật này, làm sao phải tiếp cận với hệ thống pháp luật quốc tế và cần phải làm gì để nâng tầm lên.
"Chúng ta đi sau nên cơ chế chính sách phải đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư thế giới về với Việt Nam, hạ tầng thì 2 thành phố phải làm, còn cơ chế chính sách như thế nào thì cần có tiếng nói của các chuyên gia" - ông Nguyễn Hòa Bình gợi mở.
Về nhân sự cho trung tâm tài chính, theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, sinh viên của Trường Đại học Việt Đức có thể là nguồn nhân lực chất lượng cao cho trung tâm tài chính. Bên cạnh đó, việc mời được các giáo sư hàng đầu là cách nhanh nhất để tiếp cận được với trình độ thế giới.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lưu ý, một trong những lĩnh vực mà nhà đầu tư quan tâm đối với mọi trung tâm tài chính là cơ chế giải quyết các xung đột trong trung tâm tài chính có đáng tin cậy hay không, bởi một nhà đầu tư sáng suốt người ta còn quan tâm đến những rủi ro, chứ không chỉ là cơ hội.
Xét về mặt tích cực, trung tâm tài chính bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.
"Trường Đại học Việt Đức có khả năng nghiên cứu, với sự hỗ trợ của các giáo sư danh tiếng của Đức cũng như kinh nghiệm của trung tâm tài chính ở Đức"- Phó Thủ tướng Thường trực đặt hàng cho Trường Đại học Việt Đức, đồng thời giao cho lãnh đạo TP HCM, TP Đà Nẵng và Bình Dương chuẩn bị đội ngũ để tổ chức các khóa đào tạo.

Lãnh đạo Trường Đại học Việt Đức tặng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình bức tranh về khuôn viên nhà trường
Về các kiến nghị của nhà trường tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và sẽ có những xử lý. "Nhà trường cần chủ động đề xuất cơ chế tự chủ, tuyển sinh như thế nào, tạo điều kiện cho các giảng viên. Đặc biệt, để thu hút nhà khoa học, chế độ đãi ngộ là quan trọng, nhưng không phải quan trọng nhất. Điều quan trọng và hấp dẫn họ nhất là cơ hội cống hiến và môi trường làm việc"- Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị.
Đối với tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng yêu tỉnh xem xét, bố trí quỹ đất cho Trường Đại học Việt Đức mở rộng khu ký túc xá cho sinh viên, đây chính là lực lượng sau này sẽ phục vụ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức mong muốn Chính phủ tạo điều kiện cho trường tham gia vào phát triển hệ sinh thái của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và TP Đà Nẵng thông qua các hoạt động như: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể thiết kế, tư vấn các sản phẩm tài chính phù hợp với đòi hỏi của một trung tâm tài chính.
Đào tạo các chuyên gia phân tích và dự báo về các phương pháp định lượng và các nền tảng phục vụ các đòi hỏi phân tích kinh tế và tài chính của một trung tâm tài chính.
Tổ chức các khóa học ngắn hạn bồi dưỡng theo chủ đề về chính sách, công nghệ Fintech và quản lý IFC cho Sở Tài chính, hiệp hội ngân hàng, nhà đầu tư tài chính ở TP HCM, TP Đà Nẵng.
Nghiên cứu kinh nghiệm về các hạ tầng cần ưu tiên đầu tư phát triển để thúc đẩy sự hình thành và tăng cường tính cạnh tranh của IFC, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics và hạ tầng số.
Nghiên cứu kinh nghiệm về công cụ chính sách huy động vốn thông qua IFC cho các dự án hạ tầng chiến lược trong vùng TP HCM và ở cấp quốc gia…
Bình luận (0)