Sau khi công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả "khủng" hàng trăm tỉ đồng, "chợ thuốc" trên mạng xã hội bắt đầu cảnh giác.
Trong các hội nhóm về thuốc trên mạng xã hội Facebook, các chủ tài khoản liên tục thăm dò tình hình kiểm tra nhà thuốc các địa phương. Nhiều tài khoản bình luận cho rằng nếu bán thuốc thật, hàng thật thì không việc gì phải lo lắng, trừ khi làm ăn gian dối mới lo sợ, tìm cách phòng tránh.


Các bài đăng "thăm dò" tình hình thanh tra các nhà thuốc trên cả nước
Theo ghi nhận của phóng viên, trước và sau khi triệt phá đường dây thuốc giả, việc mua thuốc trên mạng xã hội vẫn rất khá nhộn nhịp, nhiều bài đăng mua thuốc vẫn ở chế độ công khai, thu hút bình luận sôi nổi.
Cụ thể, khi có một người cần mua 10 hộp Neo-Codion hàng Thái Lan, tài khoản Facebook của nhà thuốc H.L. (TP Đà Nẵng) "chào hàng" với giá thành "bao đẹp" mà không yêu cầu toa thuốc kèm theo, đồng thời để lại số điện thoại để giao hàng.
Cũng với tên thuốc này, phóng viên đã đến vài cửa hàng thuốc tại khu vực quận 1, quận 3, huyện Hóc Môn (TP HCM) để mua. Các dược sĩ cho biết đây là thuốc nằm trong danh mục kê đơn, điều trị triệu chứng ho khan do kích thích ở người lớn, có giá khoảng 130.000/hộp và không bán số lượng lớn cho bệnh nhân.



Trong số 21 loại sản phẩm đã bị cơ quan công an bắt giữ có 4 loại giả thuốc tân dược (Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion). Những loại thuốc này cũng đang được bày bán tràn lan trên mạng xã hội
Trên sàn thương mại điện tử, nhiều loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ dạng đông dược bỗng dưng biến mất. Cụ thể, một cửa hàng trên Shopee chào bán trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn với chất lượng tốt, giá ưu đã 50% khi mua online, đặc biệt có nhiều khuyến mãi dành cho tháng 4. Tuy nhiên khi nhấp vào, sản phẩm này đã không còn trên Shopee.
Tương tự, thoái cốt hoàn Plus, thoái hóa nhức khớp hoàn Plus, gai cốt hoàn… cũng lần lượt "bay màu". Tuy nhiên, vẫn còn 1 sàn đang đăng bán những loại thực phẩm này.
Điều này cho thấy việc phát hiện lô hàng giả đã tác động đến thị trường thuốc trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi, tin chắc vẫn còn rất nhiều cách thức ngầm để "chạy" thuốc.
Chị Minh Ngọc (34 tuổi, quận Bình Thạnh) thở dài cho biết gia đình vẫn thường xuyên dùng thực phẩm hỗ trợ dạng đông dược. Sau khi đọc thông tin trên báo chí thì "té ngửa" và ngưng hẳn những loại thuốc đang dùng.
"Tôi mua tại nhà thuốc chứ không mua hàng trôi nổi nhưng bây giờ cũng rất lo lắng. Tôi không biết các nhà thuốc này có mua hàng trôi nổi rồi về bán lại cho bệnh nhân hay không. Rất mong cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết triệt để" – chị Ngọc cho hay.


Các sản phẩm lần lượt "bay màu" trên sàn thương mại điện tử
Trước đó, Bộ Y tế nhấn mạnh thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh nên phải được quản lý chặt chẽ. Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả là vi phạm nghiêm trọng, bị cấm theo Luật Dược và có thể bị xử lý hình sự với mức án từ 2 năm tù đến tử hình. Theo Bộ Y tế, thuốc giả do các đối tượng làm ra không thể vào bệnh viện công lập do không có giấy tờ hợp lệ để tham gia đấu thầu, chủ yếu được bán trên mạng và kênh bán lẻ.
Công an triệt phá đường dây thuốc giả
Bình luận (0)