Số liệu của Cục Thống kê vừa công bố cho thấy trong tháng 3-2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,05 triệu lượt người - tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt người - tăng 29,6% so với cùng kỳ và đạt số lượng khách đến trong một quý cao nhất từ trước đến nay. Đây là kết quả của cả quá trình nỗ lực xúc tiến, quảng bá, đầu tư xây dựng sản phẩm của ngành du lịch, các địa phương và cả nước.
Ngành du lịch thời điểm này không chỉ vượt số lượng khách so với trước đại dịch COVID-19 mà còn đang bước vào thời kỳ "bung sức" sau giai đoạn dài bị nén. Đặc biệt, năm nay, Việt Nam có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kéo theo nhu cầu du lịch cũng tăng.
Không chỉ khách quốc tế, mà khách trong nước cũng có tín hiệu tích cực. Một loạt sự kiện lễ hội ẩm thực - du lịch được tổ chức ở nhiều địa phương đã thu hút rất đông khách, nhất là khu vực phía Nam. Đơn cử, Trà Vinh là điểm đến chỉ mới nổi lên vài năm nay nhưng lượng khách đang tăng nhanh, các cơ sở lưu trú đạt công suất phòng cao. Đó là nhờ địa phương định vị lại du lịch, đầu tư vào sản phẩm có chất lượng, tăng trải nghiệm...
Với khách quốc tế, năm 2024, sức phục hồi từ thị trường truyền thống vẫn còn chậm. Nhưng hiện tại, con số hơn 6 triệu lượt khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm 2025 đã cho thấy sức hút của điểm đến Việt Nam. Nhờ chiến lược đa dạng hóa dòng khách, không chỉ khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến nhiều mà khách Nga cũng đang trở lại và khách Ấn Độ ngày một đông. Các sản phẩm cho từng thị trường cũng được đầu tư, chăm chút; dịch vụ đa dạng hơn và người dân địa phương tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng du lịch.
Để duy trì sức hút cho du lịch Việt Nam, cần gia tăng sức cạnh tranh của từng điểm đến, nâng chất lượng dịch vụ. Nhà nước đã có chính sách rõ ràng nhưng doanh nghiệp và người dân cần cùng thực thi, hưởng ứng để tạo sản phẩm du lịch đạt chất lượng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tổng hòa của nhiều yếu tố nhưng cốt lõi vẫn là con người. Thái độ phục vụ, kỹ năng, sự chuyên nghiệp để ứng phó với tất cả tình huống của người làm du lịch là rất quan trọng, đặc biệt trong thời điểm lượng khách tăng cao.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý để hạn chế tình trạng làm giá, "chặt chém" - vốn chỉ là cá biệt nhưng vẫn có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của điểm đến. Thực tế, các địa phương cũng rất có ý thức trong vấn đề gìn giữ hình ảnh, uy tín của điểm đến. Về phía du khách, cần chủ động hỏi giá, tìm hiểu dịch vụ để tránh sự cố phát sinh. Ngoài ra, với xu hướng công nghệ và sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông cũng cần tham gia giám sát cùng, để khi du khách phản ánh, cơ quan quản lý sẽ sớm vào cuộc, giúp môi trường du lịch văn minh hơn.
Du lịch Việt Nam đang ở thời điểm tái lập "vàng", nếu làm tốt có thể bắt đầu chu kỳ phát triển trong 3 - 5 năm tới.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)