Sáng 17-4, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow trực tuyến với chủ đề "Rào cản thuế quan Mỹ: Những gợi mở từ tham tán thương mại". Đây là talkshow thứ 3 do Báo Người Lao Động tổ chức kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp đặt thuế đối ứng, nhằm giúp doanh nghiệp (DN) có thêm thông tin và định hướng phù hợp trong bối cảnh mới.
Đoàn đàm phán đang nỗ lực, chủ động
Từ đầu cầu Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho biết đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu quý I/2025 đạt 31,4 tỉ USD. Hàng hóa của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh tại Mỹ nếu phải chịu thuế đối ứng lên đến 46%, nhất là những mặt hàng chủ lực như đồ gỗ, nội thất, dệt may, sản phẩm nông nghiệp...

Đóng gói xoài xuất khẩu sang Mỹ tại nhà máy của Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre)Ảnh: NGỌC ÁNH
"Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã quyết định miễn thuế với một số sản phẩm điện tử, công nghệ cao, cho thấy có sự vận động chính sách của các tập đoàn lớn ở Mỹ, như Apple. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn có nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng, chẳng hạn dược phẩm, đồng thời muốn đẩy mạnh xuất khẩu than. Điều này mở ra cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác, hướng tới cân bằng cán cân thương mại bền vững" - tham tán Đỗ Ngọc Hưng nhận định.
Cập nhật thông tin mới nhất, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết Đoàn đàm phán của Chính phủ về thỏa thuận thương mại với Mỹ đã có cuộc họp thứ nhất. Lãnh đạo Đảng, Chính phủ đang nỗ lực, chủ động trong đàm phán về chính sách thuế với Mỹ.
"Các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Anh... cũng đang khởi động đàm phán song phương với Mỹ. Việt Nam sẽ chủ động giữ nhịp đàm phán; xây dựng các kịch bản về thuế quan, phi thuế quan; ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa; cam kết mạnh mẽ về tiêu thụ hàng hóa có giá trị lớn từ thị trường Mỹ như khí hóa lỏng, máy bay..." - ông Hưng thông tin.
Từ châu Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu - nhận định trong vòng 5 năm nay, chuỗi cung ứng toàn cầu bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. "Chúng ta đã chứng kiến hàng loạt "cú sốc", từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19 đến căng thẳng địa chính trị tại châu Âu và Trung Đông... DN buộc phải định hình lại chiến lược về chuỗi cung ứng của mình" - bà nhìn nhận.
Theo tham tán Nguyễn Thị Hoàng Thúy, chính sách thuế mới của Mỹ là một bước leo thang đáng kể, tạo ra làn sóng chấn động trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu như trước đây, chiến lược phổ biến của các DN là "Trung Quốc + 1", tức là tìm một điểm đến ngoài Trung Quốc để phân tán rủi ro, thì hiện giờ, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có làn sóng chuyển đổi sang "Trung Quốc + n" nhằm đa dạng hóa sâu hơn, mạnh hơn. Thậm chí, sẽ có xu hướng "nearshoring" - đưa sản xuất về gần các thị trường tiêu dùng như Mỹ, châu Âu.
Chặn nguy cơ lẩn tránh thương mại
Bên cạnh khó khăn khi phải đối mặt với rào cản thuế quan, Việt Nam còn gặp thêm bất lợi khi có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của quốc gia khác để tránh thuế từ Mỹ và từ những thị trường mà nước ta có hiệp định thương mại tự do (FTA) - như FTA Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Theo tham tán Nguyễn Thị Hoàng Thúy, châu Âu đang cảnh giác cao với hiện tượng lẩn tránh thương mại thông qua việc thay đổi xuất xứ hàng hóa. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc - đặc biệt là thép, thiết bị điện tử, sản phẩm năng lượng tái tạo - sau khi bị chặn đường sang Mỹ sẽ tìm cách chuyển hướng vào thị trường châu Âu.
Khi đó, Việt Nam có nguy cơ trở thành "trạm trung chuyển" để hợp thức hóa nguồn gốc nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan. Hậu quả là không chỉ một vài DN bị điều tra, mà toàn ngành có thể bị mất ưu đãi, thậm chí bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
"Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, bảo đảm tính minh bạch của xuất xứ, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị thực của sản phẩm. Chúng ta không thể để uy tín "made in Vietnam" bị hoài nghi bởi hành vi gian lận từ bên ngoài. Sự chủ động, minh bạch và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ là lựa chọn mà còn là điều kiện sống còn để hàng Việt Nam giữ vững chỗ đứng" - bà Thúy nhấn mạnh.
Nêu kinh nghiệm của Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại thị trường này, cho biết Chính phủ trao quyền cho cơ quan hải quan xác định nguồn gốc xuất xứ, yêu cầu cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của các nước có FTA với Ấn Độ cung cấp thông tin bổ sung. "Hải quan của Ấn Độ có quyền kiểm tra lô hàng khi nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ và cơ quan cấp C/O của nước xuất khẩu phải giải trình, chứng minh nguồn gốc lô hàng" - ông Thướng cho biết.
Với hàng hóa Việt Nam, tham tán Bùi Trung Thướng lưu ý cần phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy định xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp lý, tránh tỉ lệ nội địa hóa tăng đột biến vì sẽ khiến cơ quan hải quan của Ấn Độ đặt vấn đề nghi ngờ.
Ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý Mỹ là thị trường áp dụng biện pháp chống trợ cấp, phòng vệ thương mại nhiều nhất trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vấn đề chuyển tải xuất xứ cũng được Mỹ đặc biệt quan tâm trong đàm phán với các đối tác về thuế đối ứng.
Do đó, các cơ quan, tổ chức cấp C/O phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đẩy mạnh phòng chống gian lận xuất xứ. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ sẽ tiếp tục làm rõ các quy định về chuyển tải hàng hóa với phía cơ quan chức năng của Mỹ để hỗ trợ DN Việt Nam tuân thủ một cách tốt nhất.
Thích ứng, tự lực, tự cường
Theo tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, DN sẽ là đối tượng chịu tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ nên cần thích ứng, tự lực, tự cường và có chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp để nâng cao sức chống chịu.
Bên cạnh đó, cần tập trung khai thác tốt 17 FTA mà Việt Nam đã tham gia cùng các thị trường ngách, đồng thời nâng tỉ lệ hàm lượng đóng góp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài xuất khẩu sang Mỹ, DN cũng cần tính tới biện pháp đầu tư vào Mỹ để tận dụng cơ hội lớn hơn.
Tham tán Bùi Trung Thướng chỉ rõ DN Việt có cơ hội khai thác thị trường Ấn Độ với 1,5 tỉ dân và nhiều nhu cầu khác. Tuy nhiên, chúng ta phải tính đường dài, phát triển bền vững thay vì tìm kiếm lợi nhuận nhanh. Ông Thướng thông tin vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại và mong muốn DN tích cực tham gia, đầu tư bài bản, không nên có tư duy "xuất khẩu được thì mới đầu tư".
Nhấn mạnh thuế quan là thách thức nhưng không phải "điểm kết thúc", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển lưu ý việc DN xuất khẩu chuyển hướng sang khai thác thị trường châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, không nên coi là giải pháp tình thế để tránh rủi ro thuế quan từ Mỹ. Cần nhìn nhận đây là một bước tiến chiến lược để định vị lại vai trò của chúng ta trong hệ sinh thái thương mại thế giới đang hình thành.
"Thị trường Bắc Âu không dành cho những bước đi ngắn hạn. Với tầm nhìn dài hạn, sự chuẩn bị bài bản và tinh thần hợp lực, tôi tin DN Việt Nam có đủ khả năng để không chỉ trụ lại, mà còn dẫn đầu trong những phân khúc mới của thương mại toàn cầu đang tái định hình" - bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy kỳ vọng.
Sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhận xét Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đóng vai trò như "ăng-ten nối dài" giữa thị trường sở tại và DN trong nước, thông qua 2 cổng thông tin điện tử chính thức và trang Fanpage cập nhật kịp thời quy định, xu hướng tiêu dùng, cảnh báo những hàng rào kỹ thuật... "Bắc Âu là thị trường nhỏ nhưng luôn đi đầu về xu hướng, tập trung nhiều tập đoàn bán lẻ, chuỗi cung ứng toàn cầu nên chúng tôi chú trọng xúc tiến đầu tư chiến lược" - bà Thúy cho biết.
Đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay với lợi thế nằm tại địa bàn sở tại và có liên hệ với nhiều đầu mối, cơ quan này sẽ cung cấp thông tin, tham mưu, tư vấn chính xác cho cơ quan quản lý nhà nước; giúp DN tham dự các hội chợ quốc tế về dệt may, da giày, thủy sản...
Bình luận (0)