Năm 2024, diêm dân oằn mình chống chịu vì giá muối liên tục giảm mạnh, có lúc tới 30%. Song, khoảng 3 tháng nay, từ thời điểm Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 được triển khai tổ chức, giá muối đã nhích dần lên.
"Vị ngọt" cho ruộng muối
Trong lúc người làm muối lao đao vì giá cả bấp bênh, việc tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 đã thắp lên hy vọng cho diêm địa phương này cũng như ĐBSCL và cả nước. Sát thềm festival, muối đen mua tại ruộng đã tăng từ 900 đồng lên 1.200 đồng/kg, muối trắng từ 1.200 đồng lên 1.350 đồng/kg. Sau festival, muối tiếp tục tăng khoảng 300 đồng/kg.

Để nghề muối phát triển bền vững, cần đa dạng hóa sản phẩm
Ông Trần Văn Thưa, Chủ tịch HĐQT HTX Diêm Điền (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), cho rằng việc giá muối tăng ổn định trong thời gian khá dài như vừa qua là chiều hướng tích cực, rất hiếm khi diễn ra. Thực tế, sau Festival Nghề muối, doanh nghiệp và du khách biết nhiều hơn về giá trị của hạt muối Bạc Liêu nói riêng và của Việt Nam nói chung. Giá tăng đã mang lại "vị ngọt" cho ruộng muối, nơi mà diêm dân ngày ngày phải phơi mình dưới nắng để mưu sinh, đồng thời gìn giữ nghề truyền thống.

Giá muối tăng 3 tháng qua đã tiếp thêm động lực cho diêm dân.Ảnh: VÂN DU
"Diêm dân đang rất phấn khởi vì giá muối tăng và nghề muối được tôn vinh. Thế nhưng, điều mà họ cần là sau festival, giá cả và đầu ra của hạt muối được duy trì bền vững hơn. Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia rồi mà diêm dân không khá lên được thì cũng mất đi nhiều ý nghĩa" - ông Thưa trăn trở.
Theo những người gắn bó lâu năm với nghề muối ở Bạc Liêu, diêm dân luôn mong đợi đạt được lợi nhuận tương xứng công sức họ bỏ ra trong quá trình tạo nên hạt muối chất lượng cung ứng cho thị trường. Ông Hồ Minh Chiến, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất muối công nghệ cao huyện Đông Hải, bày tỏ: "Hy vọng sau festival, muối sẽ có giá cao hơn, thị trường tiêu thụ cũng dễ hơn, diêm dân sống được với nghề và tiếp tục phát triển nghề truyền thống".
Tận dụng thời cơ
Nghề làm muối ở Bạc Liêu được hình thành khi người dân đến đây khai hoang mở đất ven biển đầu thế kỷ XX.
Đến nay, với diện tích sản xuất hơn 1.500 ha, Bạc Liêu được xem là "thủ phủ" muối của Việt Nam. Muối Bạc Liêu được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao, tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Muối Bạc Liêu là nguyên liệu quan trọng để chế biến các món ăn đặc sản nổi tiếng, như ba khía của Cà Mau, hay kim chi của Hàn Quốc.
Dù là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày và khó có thể bị thay thế trong tương lai nhưng hạt muối xưa nay vẫn "ba chìm bảy nổi" trên thị trường, giá cả không ổn định và khó lường. Không chỉ luôn lo lắng về thị trường bấp bênh của hạt muối, điều mà diêm dân quan tâm không kém là thời tiết bất thường. Chỉ cần một vài cơn mưa bất chợt là cũng có thể lấy đi toàn bộ mồ hôi, công sức của người làm muối trong tích tắc.
Để tạo ra những hạt muối chất lượng, khi mùa mưa kết thúc - khoảng tháng 11 âm lịch hằng năm, diêm dân bắt đầu cải tạo ruộng rồi dẫn nước biển vào, phơi nắng, chờ kết tủa. Quy trình làm muối tưởng chừng đơn giản nhưng tốn rất nhiều công sức, diêm dân phải quần quật dưới nắng nóng nhiều tháng trời.
Ông Nguyễn Quốc Vinh - một diêm dân hơn 50 năm kinh nghiệm ở huyện Đông Hải - cho biết gia đình ông có 4 thế hệ gắn bó với nghề làm muối. Theo ông, điều mà diêm dân quan tâm nhất chưa hẳn là thị trường có ổn định không hay giá cả thế nào, mà là thời tiết.
"Trời nắng nóng cỡ nào chúng tôi cũng chịu được. Nếu thời tiết thuận lợi, dù giá có lên xuống ra sao thì diêm dân cũng có muối bán. Song, nếu gặp mưa thì muối hỏng hết, chúng tôi phải làm lại từ đầu, xem như công sức đổ sông đổ biển" - ông Vinh giải thích.
Theo ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đông Hải, nếu Bạc Liêu là "thủ phủ" muối của cả nước thì Đông Hải là "thủ phủ" muối của tỉnh này. Đông Hải có tới 1.306 ha và 744 hộ dân gắn bó với nghề làm muối, sản lượng hằng năm ước khoảng 50.000 tấn.
Ông Tuấn cho hay sau festival nghề muối, ngành muối địa phương đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Một số doanh nghiệp đã làm việc với tỉnh Bạc Liêu và huyện Đông Hải để xem xét đầu tư nhà máy chế biến, khu sản xuất muối chất lượng cao tại địa phương với số vốn hàng trăm tỉ đồng.
"Nếu các dự án này được triển khai, số muối thu mua từ diêm dân sẽ ổn định và giá tăng cao. Khi không còn lo đầu ra, diêm dân sẽ mạnh dạn áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng hạt muối. Lúc này, thu nhập của người dân sẽ ngày càng được nâng lên" - ông Tuấn kỳ vọng.
Đa dạng hóa sản phẩm
Năm 2020, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề làm muối ở Bạc Liêu là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là động lực để diêm dân Bạc Liêu gắn bó với nghề muối - vốn đang dần thu hẹp về diện tích lẫn sản lượng.
Tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025, nhằm tôn vinh giá trị của hạt muối, khẳng định quyết tâm bảo tồn, phát triển nghề làm muối truyền thống.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng để phát triển nghề muối, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng thì cần hướng đến đa dạng hóa sản phẩm. Muối không chỉ là gia vị mà còn có thể được chế biến thành sản phẩm muối làm đẹp, chữa bệnh, phục vụ sản xuất công nghiệp...

Bình luận (0)