Con số lợi nhuận 200 tỉ đồng đến tay những kẻ sản xuất cho thấy hậu quả của vụ án này cực lớn. Quy mô lưu hành thuốc giả từ Hà Nội, đến TP HCM, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp… lại càng cho thấy "di chứng" của chúng để lại không thể lường nổi.
Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt, được kiểm soát, giám sát thuộc hàng chặt chẽ nhất, bởi chúng liên quan đến sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người dân. Hệ thống quản lý về dược phẩm được tổ chức quy mô từ trung ương đến địa phương. Thế nhưng thật ngạc nhiên khi hàng tấn thuốc giả được tung ra thị trường trong thời gian dài nhưng cơ quan quản lý chuyên môn không hề hay biết cho đến khi lực lượng công an vào cuộc.
Để những loại độc dược này đến tay người bệnh thì chỉ riêng những kẻ tán tận lương tâm sản xuất thuốc giả trên không thể làm nổi. Nó phải được hợp thức hóa bằng những loại giấy lưu hành hợp lệ; phải được những "nhà thuốc bất lương" phân phối đến tận tay người bệnh. Đây là một quy trình khép kín trục lợi tàn nhẫn người tiêu dùng mà dễ dàng bày ra trước mặt các cơ quan quản lý.
Có một thực tế, một dược sĩ có thể thoải mái cho thuê tấm bằng để người khác mở nhà thuốc mà thậm chí dược sĩ còn không biết nó nằm ở địa chỉ nào. Và cũng có một thực tế, người có bằng trung cấp dược đứng bán thuốc thì làm thay tất tần tật: Tự hỏi bệnh, tự kê đơn, tự bán thuốc mà không cần ý kiến chuyên môn của bác sĩ. Cũng không ở đâu có cửa hàng bán lẻ thuốc chữa bệnh nhiều như ở ta. Chỉ riêng tại TP HCM, theo thống kê của ngành y tế, hiện nay có hơn 10.000 cửa hàng bán thuốc chữa bệnh. Nếu cơ quan thanh tra y tế một ngày kiểm tra được 3 đơn vị thì phải mất gần 10 năm mới kiểm tra hết các nhà thuốc trên. Những kẻ sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng nếu bắt tay với các nhà thuốc thiếu lương tâm thì người bệnh lãnh đủ.
Những lỗ hổng trong vấn đề quản lý thuốc chữa bệnh đã thấy và nhiều năm qua cũng không thể nào lấp nổi. Sau sự vụ nhập thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma vào năm 2019 gây chấn động dư luận, thì nay vụ sản xuất thuốc giả này một lần nữa gieo rắc kinh hoàng cho người dân.
Vụ việc đang được cơ quan công an mở rộng điều tra nhưng dư luận đang đặt ra câu hỏi: Những loại thuốc giả này có được cấp phép lưu hành hay không? Cơ quan nào cấp, ai chịu trách nhiệm? Những nhà thuốc hay bác sĩ, dược sĩ nào tiếp tay đưa thuốc giả đến tay người bệnh? Trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu và làm gì để ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng đến tay người dân?
Những câu hỏi trên còn bỏ ngỏ thì sức khỏe và cả tính mạng của người bệnh còn bị uy hiếp và những kẻ tán tận lương tâm trục lợi người bệnh sẽ còn đất sống!.
Bình luận (0)