xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM hướng đến siêu đô thị biển (*): Cần Giờ - tâm điểm chiến lược

NHÓM PHÓNG VIÊN

Cần Giờ với những đại dự án được kỳ vọng là đòn bẩy, là mặt tiền kết nối TP HCM với thế giới

Trong bối cảnh TP HCM chuẩn bị cho việc hướng đến siêu đô thị biển, Cần Giờ là "mảnh ghép không thể thiếu". Với vị trí tiếp giáp biển Đông và nằm ở trung tâm chuỗi cảng miền Nam, Cần Giờ là cửa ngõ biển duy nhất của TP HCM - nơi có thể phát triển cảng quốc tế, khu đô thị biển, du lịch sinh thái và logistics biển.

Dấu ấn trên bản đồ logistics toàn cầu

Dù vậy, đến nay, giao thông kết nối trung tâm TP HCM với huyện Cần Giờ vẫn "độc đạo" - qua phà Bình Khánh. Nhiều năm qua, người dân kỳ vọng dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh để nối liền đôi bờ. 

Sự mong chờ ấy càng mạnh mẽ hơn khi hàng loạt siêu dự án sắp triển khai trên địa bàn như Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hay còn gọi là siêu cảng Cần Giờ. Đây được xem là mắt xích chiến lược, có thể nói là trái tim vận hành kinh tế biển, trong hành trình đưa TP HCM trở thành siêu đô thị biển Đông Nam Á.

Khu đất xây khu đô thị lấn biển Cần Giờ nhìn từ trên cao Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khu đất xây khu đô thị lấn biển Cần Giờ nhìn từ trên cao .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào 16-1-2025 sau thời gian dài chuẩn bị. Dự án nằm trên địa bàn xã Thạnh An, có vốn đầu tư trên 50.000 tỉ đồng, diện tích 570 ha, chuyên khai thác cảng container, cảng biển và các dịch vụ liên quan. 

Dự án nhằm thúc đẩy hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển trong nước, thu hút các tập đoàn logistics, thương mại, tài chính quốc tế đặt trụ sở. Đồng thời, dự án góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ hàng hải khu vực, trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế. Dự kiến khởi công vào tháng 9-2025.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) nhận định việc TP HCM khởi công Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cơ hội quan trọng để nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia, nếu được kết nối chặt chẽ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Sự kết nối này sẽ hình thành một siêu cụm cảng biển, đủ năng lực cạnh tranh trực tiếp với các cảng lớn trong khu vực như Singapore và Malaysia.

Việc gắn kết giúp Việt Nam tận dụng lợi thế vị trí địa lý trên các tuyến hàng hải quốc tế đi qua biển Đông, thu hút nguồn hàng quốc tế, giảm chi phí logistics, từ đó nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các chuyên gia, sự liên kết giữa Cảng Cần Giờ và Cái Mép - Thị Vải không chỉ thúc đẩy kinh tế biển TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, mà còn là động lực phát triển cho nền kinh tế quốc gia trong dài hạn. Siêu cụm cảng này có tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như logistics, công nghiệp hỗ trợ, tài chính, bảo hiểm và thương mại quốc tế. "TP HCM khi đó sẽ không chỉ là đô thị hướng biển, mà là một đô thị cảng biển với hệ sinh thái logistics hiện đại, tích hợp đầy đủ dịch vụ và có sức cạnh tranh quốc tế" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài vai trò cảng biển, khu vực ven biển TP HCM mới, đặc biệt là Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Giờ, cần được định hướng trở thành trung tâm về cảng biển quốc tế, năng lượng tái tạo và du lịch cao cấp. Theo TS Tuấn, cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ sẽ là điểm nhấn chiến lược, góp phần định vị TP HCM là siêu đô thị logistics và cảng biển hàng đầu Đông Nam Á.

Dáng hình thành phố biển

Nếu siêu cảng Cần Giờ là trái tim của kinh tế biển thì Khu đô thị lấn biển Cần Giờ chính là gương mặt đô thị - văn hóa - du lịch mới. Khi TP HCM mở rộng địa giới, hợp nhất với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, khu đô thị biển Cần Giờ sẽ đóng vai trò là một trong những "cửa ngõ mềm" - vừa kết nối với vùng biển Đông Nam Bộ, vừa giữ gìn hệ sinh thái rừng ngập mặn, vừa phát triển kinh tế xanh và du lịch chất lượng cao.

Dự án này do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ (thành viên của Tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư, chính thức khởi công vào sáng nay, 19-4, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Dự án là công trình nhóm A, thời hạn sử dụng đất 50 năm, có phạm vi lấn biển 1.357 ha với các phần thiết kế san nền, kè hồ, kè biển.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị lấn biển Cần Giờ, dự án có diện tích khoảng 2.870 ha, gồm 4 phân khu A, B, C và D-E, quy mô tổng dân số gần 230.000 người, có khả năng đón 8-9 triệu lượt du khách/năm. 

Trong đó, phân khu A (953 ha) được quy hoạch là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Phân khu B (659 ha) là khu ở, du lịch nghỉ dưỡng, công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng...). 

Đây còn là khu cây xanh đô thị, đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Phân khu C (318 ha) là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, khu đô thị hiện đại gồm các khu nhà ở (nhà ở liên kế, biệt thự, nhà ở cao tầng). Phân khu D (480 ha) là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại và phân khu E (458 ha) là mặt nước, kênh dẫn và cây xanh.

Theo TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý TP HCM, khu đô thị lấn biển Cần Giờ có vai trò chiến lược trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của TP HCM và Việt Nam. Dự án không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn mà còn có ý nghĩa chiến lược nhiều mặt, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại cao cấp, hình thành trung tâm nghỉ dưỡng và đô thị thông minh, tạo đà tăng trưởng kinh tế cho TP HCM. Đồng thời, giúp mở rộng không gian đô thị, giảm áp lực nội đô, phát triển các khu vệ tinh và nâng tầm hạ tầng với các công trình biểu tượng như tháp 108 tầng.

Về lâu dài, dự án góp phần khẳng định năng lực thực hiện các công trình quy mô lớn, thu hút đầu tư quốc tế, tạo việc làm và nâng cao vị thế Việt Nam. Bên cạnh đó, yếu tố sinh thái và bảo vệ môi trường cũng được chú trọng, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-4

Kết nối giao thông liên vùng

Cùng với các siêu dự án, người dân TP HCM, đặc biệt là khu vực Cần Giờ, đang kỳ vọng lớn vào tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối từ trung tâm thành phố đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Đây là dự án do Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư, với tuyến đường dài 48,5 km, thiết kế đi trên cao, khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ tối đa 250 km/giờ. Điểm đầu tuyến đặt tại đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) và điểm cuối tại Cần Giờ. Mỗi giờ có thể vận chuyển tối đa đến 40.000 hành khách, dự kiến khởi công trong giai đoạn từ năm 2025 đến 2028.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo TP HCM khẩn trương nghiên cứu triển khai tuyến này cùng với tuyến đường sắt đi sân bay Long Thành, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực tham gia dự án và báo cáo tiến độ trong tháng 4 năm 2025. Nhằm chuẩn bị cơ sở pháp lý cho dự án, Sở Giao thông Công chánh TP HCM đã có văn bản khẩn gửi Sở Xây dựng, đề nghị cập nhật tuyến đường sắt vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, cũng như đưa dự án vào danh mục đầu tư ưu tiên trước năm 2030.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh TP HCM đang hướng tới hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để hình thành một đơn vị hành chính mới, nhu cầu kết nối hạ tầng giao thông giữa TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu trở nên cấp bách. Hiện nay, giữa hai địa phương không có tuyến đường bộ kết nối trực tiếp, muốn di chuyển phải đi qua địa phận Đồng Nai. Ý tưởng xây dựng cầu vượt biển Cần Giờ nối liền hai địa phương đã được đề xuất từ năm 2017, thậm chí từng có phương án hầm vượt biển, song đến nay vẫn đang trong quá trình nghiên cứu do nhiều thách thức về kỹ thuật và kinh phí.

Sở Giao thông Công chánh TP HCM mới đây đã phối hợp với Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải nghiên cứu sơ bộ 3 phương án cho tuyến đường ven biển phía Nam. Trong đó, có phương án đầu tư tuyến đường chính kết nối với đường ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua một cây cầu vượt biển dài 10 km. Phương án này giúp rút ngắn khoảng 40 km so với quy hoạch ban đầu, với tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn dự kiến hơn 62.200 tỉ đồng. Sở cũng đã đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với các tỉnh liên quan như Đồng Nai, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu để thống nhất phương án đầu mối kết nối, từ đó hoàn thiện hồ sơ cập nhật vào quy hoạch chung TP HCM cũng như quy hoạch các tỉnh liên quan.

Những dự án này khi hoàn thành không chỉ giúp hình thành mạng lưới giao thông liên vùng hoàn chỉnh mà còn mở rộng không gian phát triển cho TP HCM, tăng khả năng kết nối, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế biển toàn vùng.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo