icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tuyển Việt Nam tụt hạng FIFA: Tìm lại vị thế, cách nào?

TƯỜNG PHƯỚC

Sau nhiều năm khẳng định chỗ đứng trong nhóm 100 rồi 110 đội tuyển mạnh nhất thế giới, mới đây tuyển Việt Nam đã chính thức rơi xuống vị trí 113

Sau nhiều năm khẳng định chỗ đứng trong nhóm 100 rồi 110 đội tuyển mạnh nhất thế giới, mới đây tuyển Việt Nam đã chính thức rơi xuống vị trí 113 trên bảng xếp hạng FIFA

Đây là cột mốc thấp nhất trong gần 5 năm qua và là lời cảnh báo về sự sa sút phần nào của bóng đá Việt Nam, trong giai đoạn sau thành công dưới thời HLV Park Hang-seo.

Cú trượt dài từ đỉnh cao

Từ dấu mốc lịch sử lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, đến chuỗi trận thất vọng gần đây ở vòng loại World Cup 2026, vòng loại Asian Cup 2027 và các trận giao hữu, đội tuyển Việt Nam đang trải qua một chu kỳ đi xuống rõ rệt cả về điểm số lẫn chất lượng đội hình.

Năm 2022, Việt Nam từng đạt hạng 94 thế giới, cao nhất trong lịch sử và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự chia tay của HLV Park Hang-seo đánh dấu giai đoạn chuyển giao đầy khó khăn. Những người kế nhiệm như Philippe Troussier hay Kim Sang-sik không thể tạo nên dấu ấn chiến thuật rõ ràng hay thành tích thuyết phục ngay cả khi chúng ta vô địch AFF Cup 2024.

Đặc biệt, 2 trận thua liên tiếp trước Indonesia tại vòng loại thứ hai World Cup 2026 và Malaysia ở vòng loại Asian Cup 2027 là cú sốc thực sự. Không chỉ đánh mất lợi thế cạnh tranh tại vòng loại, Việt Nam còn tụt hạng nghiêm trọng trên bảng xếp hạng FIFA - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc xếp hạt giống ở các giải đấu lớn sắp tới.

So với các đối thủ trong khu vực, Việt Nam hiện đã bị Thái Lan bỏ xa, Indonesia và Malaysia thu hẹp khoảng cách trên bảng xếp hạng FIFA. Từ vị trí đứng đầu Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất vị thế cả trong khu vực lẫn châu lục. Nhận định về thực trạng đáng lo này, bình luận viên kỳ cựu Quang Huy cho rằng việc tụt hạng FIFA không đơn thuần là thất bại chiến thuật mà phản ánh vấn đề nằm ở thế hệ mới không đủ chất lượng để kế thừa lớp đàn anh.

Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhấn mạnh đến yếu tố gốc rễ: đào tạo trẻ không được đầu tư bài bản. "Chúng ta đào tạo cầu thủ một cách thiếu hệ thống, chưa có chiến lược quốc gia rõ ràng. Nhật Bản, Hàn Quốc đã chuẩn hóa từ lứa U10. Còn chúng ta vẫn giao phó cho từng CLB riêng lẻ" - ông Xương nhận xét.

Một vấn đề khác được đề cập là sự lạm dụng ngoại binh ở V-League. Nhiều đội bóng phụ thuộc vào các ngoại binh ở vị trí tiền đạo, trung vệ, khiến cầu thủ nội khó có cơ hội cọ xát và nâng cao trình độ. V-League đang trở thành giải đấu của ngoại binh, còn cầu thủ Việt chỉ làm nền. Hệ quả là khi lên đội tuyển, nhiều cầu thủ trẻ thiếu bản lĩnh và thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.

Tuyển Việt Nam tụt hạng FIFA: Tìm lại vị thế, cách nào?- Ảnh 1.

Tuyển Việt Nam (phải) cần cải thiện phong độ để sớm trở lại top 100 FIFA. (Ảnh: QUỐC AN)

Phương án cải thiện

Trong khi bóng đá Việt Nam loay hoay tìm lại lối đi, các đội tuyển láng giềng đang có những bước tiến rõ rệt. Indonesia và Malaysia áp dụng chính sách nhập tịch cầu thủ một cách bài bản, với nhiều cầu thủ có gốc châu Âu và kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp. Thái Lan tiếp tục duy trì hệ thống thi đấu trong nước ổn định và có chiến lược đầu tư rõ ràng cho các đội tuyển trẻ. Cả 3 đội này đều có kết quả tốt tại các giải đấu quốc tế được tính điểm trên bảng xếp hạng FIFA.

Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu kế hoạch dài hạn, thiếu bản sắc chiến thuật và thiếu cả môi trường phát triển cho các cầu thủ nội. Việc tụt hạng không chỉ là hậu quả của vài trận thua, mà là hệ quả tích tụ của một hệ thống thiếu định hướng rõ ràng. Để có thể quay lại nhóm 100 đội tuyển hàng đầu thế giới, bóng đá Việt Nam cần một cuộc cải tổ sâu rộng ở 3 cấp độ: đào tạo trẻ, cải tổ giải quốc nội và chiến lược đội tuyển quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng cần xây dựng một chương trình đào tạo trẻ cấp quốc gia, trong đó VFF đóng vai trò trung tâm, kết nối các học viện lớn như PVF, Viettel, HAGL JMG, Nutifood... Việc chuẩn hóa giáo án, triết lý đào tạo và hệ thống tuyển chọn sẽ giúp các lứa cầu thủ trẻ có nền tảng vững chắc hơn. "Nếu không đầu tư vào lứa U15 - U20 ngay từ hôm nay, 5 năm tới chúng ta sẽ không còn cầu thủ đủ chất lượng cho đội tuyển" - chuyên gia Đoàn Minh Xương cảnh báo.

Nâng cấp V-League

Các quy định sử dụng ngoại binh cần được siết chặt nhằm tạo không gian phát triển cho cầu thủ Việt. Đồng thời, V-League cần được nâng cấp toàn diện từ cơ sở vật chất, công tác trọng tài đến truyền thông và bản quyền truyền hình.

Một giải đấu vô địch quốc gia mạnh, chuyên nghiệp sẽ là nền móng để cầu thủ trưởng thành và sẵn sàng cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Và, VFF cũng không nên đặt mục tiêu thành tích ngắn hạn cho tuyển Việt Nam mà cần xây dựng lộ trình dài hơi, đặt trọng tâm vào việc trẻ hóa đội hình và xây dựng bản sắc chơi bóng.

Song song đó, cần thiết kế lịch thi đấu quốc tế dịp FIFA Days chất lượng. Thay vì chọn các đối thủ yếu để "lấy điểm", hãy chọn các đội có đẳng cấp tương đương hoặc cao hơn để cầu thủ có cơ hội cọ xát thực sự. 

Thứ hạng FIFA không chỉ là một con số - nó phản ánh chất lượng, uy tín và sức phát triển của cả nền bóng đá. Khi Việt Nam rơi khỏi top 100, đồng nghĩa với việc mất lợi thế trong việc xếp nhóm hạt giống, khó thu hút tài trợ và ảnh hưởng tới tâm lý của người hâm mộ lẫn cầu thủ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo