Trong 3 tháng đầu năm 2025, tỉnh Bình Dương đã thu hút được gần 700 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lũy kế đến nay, tỉnh có 4.459 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 42,5 tỉ USD, đứng thứ 2 cả nước, sau TP HCM. Với mục tiêu là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước cùng với chiến lược xây dựng đô thị thông minh, Bình Dương luôn hấp dẫn các nhà đầu tư.
Mở rộng đầu tư
Tin tưởng môi trường đầu tư tại Bình Dương, ông Alexander Christopher Falter, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ECCO Việt Nam (100% vốn Đan Mạch; tọa lạc tại KCN Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng), cho biết năm 2025, công ty đã lập kế hoạch mở rộng nhà máy với các công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại. Hiện công ty nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mở rộng.
Ông Alexander Christopher Falter cũng đánh giá cao chiến lược phát triển xanh tại Việt Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng. Đặc biệt, kế hoạch giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050, chính sách phát triển năng lượng tái tạo... đã và đang hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu. Công ty TNHH ECCO Việt Nam là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong chuyển đổi sang công nghiệp xanh, sinh thái bền vững ở Bình Dương. Kế hoạch này đã được công ty đưa ra và đang từng bước hoàn thiện. Trước mắt, DN sử dụng điện năng lượng mặt trời tại nhà máy, tiếp đến là tái sử dụng nước mưa và trang bị trạm sạc điện cho một số phương tiện dùng điện. Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch chuyển đổi máy móc sang tự động hóa, giảm nhân công, giảm rác thải ra môi trường…
Với hiệu quả đầu tư tại Bình Dương, Công ty TNHH ECCO Việt Nam sẵn sàng giới thiệu đến các đối tác châu Âu khi tham quan tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương trong thời gian tới.

Năm 2025, Công ty TNHH TCL (KCN VSIP II mở rộng, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nhờ đơn hàng tăng 30%. Ảnh: THANH THẢO
Dự án tổ hợp hóa dầu tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn - LSP (công ty thành viên của Tập đoàn SCG - Thái Lan) là chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 5 tỉ USD; công suất thiết kế là 1,4 triệu tấn sản phẩm hóa dầu. Hiện dự án đã hoàn thành xây dựng và từng chạy chính thức nhưng phải tạm dừng để cải tạo, đầu tư thêm. Đây là dự án FDI lớn nhất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và hàng đầu cả nước.
Mới đây, ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc Công ty LSP, cho hay sẽ tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD để cải tạo LSP nhằm sử dụng ethane làm nguyên liệu đầu vào thay thế, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh dài hạn của LSP. Công ty sẽ bắt tay vào triển khai dự án ngay khi hoàn thành các thủ tục và dự kiến năm 2027 sẽ đưa vào vận hành.
Dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Leadership Electric Appliance Việt Nam ở KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư đầu năm 2025 có vốn đầu tư 10 triệu USD. Đây là dự án thứ 4 của Tập đoàn Leader Electric (Singapore), nâng tổng số vốn đầu tư tại Đồng Nai lên trên 50 triệu USD.
Ông Lang Yi Ding, Tổng Giám đốc Tập đoàn Leader Electric, cho biết công ty chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện gia dụng như máy hút bụi, máy cắt cỏ. "Lý do tập đoàn chọn Đồng Nai làm điểm đến vì có môi trường đầu tư tốt, nguồn lao động chất lượng cao. Do đó, tập đoàn đã liên tục mở thêm dự án tại Đồng Nai" - ông Lang Yi Ding chia sẻ.
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong quý I/2025, thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh đạt hơn 908 triệu USD vốn FDI. Trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương nhận định dự kiến thu hút đầu tư FDI cả năm 2025 đạt khoảng 1,2 tỉ USD, vượt so kế hoạch.
Xây dựng mối quan hệ bền vững
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức khẳng định cộng đồng DN FDI là bộ phận quan trọng, đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức hội nghị gặp gỡ DN FDI nhằm lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của các DN. Qua đó, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc nhằm hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư.
Ông Võ Tấn Đức cam kết trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN FDI hoạt động có hiệu quả trên địa bàn.
"Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch; tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông tại các KCN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến của DN, kịp thời giải quyết những vướng mắc, đồng hành với DN trong quá trình phát triển; xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững" - ông Võ Tấn Đức khẳng định.
Theo Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm thu hút các dự án FDI, UBND tỉnh đã và đang triển khai thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, chương trình phát triển công nghiệp, chương trình xúc tiến thương mại và thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh (Tổ 997), Tổ giúp việc Tổ công tác nhằm hỗ trợ các DN, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, thúc đẩy thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư những dự án kêu gọi giai đoạn 2021 - 2030. Theo báo cáo, tính đến tháng 3-2025, Tổ 997 đã hoàn tất việc xử lý 42 kiến nghị của nhà đầu tư và DN, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án. Hiện tại, Tổ 997 vẫn đang tiếp tục xem xét và giải quyết 23 kiến nghị tồn đọng. Trong đó có nhiều dự án lớn, kéo dài do gặp khó khăn trong thủ tục pháp lý, quy hoạch và đầu tư.
Ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết mới đây, sự kiện khánh thành nhà máy xanh của Tập đoàn LEGO, với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỉ USD tại KCN VSIP III, đã minh chứng cho sức hút của địa phương với nhà đầu tư nước ngoài. Với nhà máy này, bên cạnh việc lắp đặt 12.400 tấm pin mặt trời áp mái, Tập đoàn LEGO cũng hợp tác với KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng một trung tâm năng lượng ngay khu đất lân cận. Trung tâm năng lượng sẽ tích hợp giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin quy mô lớn đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2025. Nhu cầu năng lượng tái tạo còn lại sẽ được đáp ứng thông qua các thỏa thuận mua bán điện (PPA).

Nhà máy của Tập đoàn LEGO tại KCN VSIP III - Bình Dương với vốn đầu tư 1,3 tỉ USD vừa khánh thành đưa vào hoạt động. Ảnh: THANH THẢO
"Để tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư, Bình Dương đang nỗ lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, đồng thời định hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm của động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu của tỉnh" - ông Trí nhấn mạnh.
Tăng gấp đôi so với cùng kỳ
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết trong tháng 3-2025 đã cấp mới cho 11 dự án đầu tư ở các KCN trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 160 triệu USD; 6 dự án trong nước với vốn đầu tư đăng ký hơn 10.888 tỉ đồng. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án FDI tăng vốn đầu tư thêm hơn 132 triệu USD.
Với việc cấp mới, tăng vốn cho nhiều dự án, hết quý I/2025, tỉnh Bịa - Vũng Tàu đã thu hút được hơn 1 tỉ USD, đạt hơn 53% so với kế hoạch năm 2025, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, vốn FDI chiếm hơn 50% số vốn.
Lĩnh vực mà các DN đang quan tâm đầu tư vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bao gồm sản xuất linh phụ kiện nhà bếp, nhà vệ sinh, đồ dùng gia đình; sản xuất, gia công dây điện, dây nguồn; dệt... Trong đó, Công ty TNHH Colorful Nylon Fiber với số vốn đầu tư đăng ký 120 triệu USD; nhà máy xe đạp điện Aventon với số vốn đầu tư đăng ký 25 triệu USD... Trong số 3 DN đăng ký tăng vốn FDI có 1 DN đăng ký tăng thêm hơn 114 triệu USD.
Theo kế hoạch, trong tháng 4, dự kiến Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thu hút thêm 213 triệu USD vốn vào các KCN. Trong đó, dự kiến cấp mới 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 80,5 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1 dự án FDI thêm 60 triệu USD.
Bình luận (0)