Các nhà khoa học từ Đại học New South Wales (UNSW - Úc) và Bảo tàng Úc đã xác định được một loài quái vật cổ đại mới khi phân tích bộ xương hóa thạch kỳ lạ được tìm thấy từ những năm 1990.
Vào năm đó, một người nông dân nuôi gà vô tình phát hiện bộ xương bên trong một trong những khối đá mà ông chuẩn bị dùng để xây tường, vốn được khai thác từ một mỏ đá ở địa phương.
Ông đã tặng khối đá đặc biệt cho Bảo tàng Úc tại Sydney.

Ảnh đồ họa mô tả loài quái vật 240 triệu tuổi Arenaerpeton supinatus - Ảnh đồ họa: Jose Vitor Silva
Theo SciTech Daily, con quái vật trong đá được đặt tên là Arenaerpeton supinatus. Nó là một loài lưỡng cư chưa từng được biết đến ở bất kỳ đâu trên thế giới, sống vào khoảng 240 triệu năm trước trong kỷ Tam Điệp, tức cùng thời với những con khủng long sơ khai.
Hóa thạch của con vật được bảo quản trong tình trạng rất tốt, còn rõ đường viền da trên đá, giúp các nhà khoa học dễ dàng tái hiện hình dáng của nó khi còn sống.
Theo nhà cổ sinh vật học Lachlan Hart, người làm việc với cả UNSW và Bảo tàng Úc, loài mới này thuộc về một nhóm động vật đã tuyệt chủng được gọi là temnospondyls, với những loài cổ xưa nhất ra đời trước cả khủng long.
Một số loài thuộc nhóm này đã được tìm thấy trước đây nhưng độ nguyên vẹn kém. Vì vậy, sự xuất hiện của Arenaerpeton supinatus càng thêm giá trị.
Cũng theo TS Hart, con quái vật này dài khoảng 1,2 m khi còn sống và rất giống loài kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là hình dạng đầu.
Tuy nhiên, dựa trên kích thước xương sườn và đường viền mô mềm được lưu giữ trên hóa thạch, nó nặng nề hơn đáng kể so với các hậu duệ còn sống.
Nó cũng có một số răng khá đáng sợ, bao gồm một cặp nanh lớn ở vòm miệng.
Con quái vật này và đồng loại đã sống trong các hệ thống sông nước ngọt từng chảy qua lưu vực Sydney vào kỷ Tam Điệp, săn bắt các loài cá cổ đại như Cleithrolepis.
Bình luận (0)