Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 17-7 đã chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai; triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng trên phạm vi cả nước.
Nhiều dự án được tái khởi động
Các báo cáo tại hội nghị nêu rõ trước đây, nhiều dự án rơi vào tình trạng đình trệ do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trước thực trạng này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa các dự án sớm đi vào hoạt động, tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Để hiện thực hóa chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 77/2024, đề ra phương án xử lý các vướng mắc liên quan đến dự án và đất đai xuất phát từ các kết luận thanh tra, kiểm tra và bản án tại một số địa phương. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết 170/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2025 và Nghị định 91/2025 để cụ thể hóa định hướng của Bộ Chính trị. Đồng thời, Chính phủ đã thành lập ban Chỉ đạo chuyên trách, tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng, tạo động lực thúc đẩy các dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả.
Đánh giá cao Kết luận 77/2024, Nghị quyết 170/2024 cùng các Nghị định 76/2025 và 91/2025, các đại biểu tại hội nghị cho rằng đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ "điểm nghẽn" trong cơ chế, chính sách. Đồng thời, tạo nền tảng cho các địa phương rà soát, xử lý các dự án tồn đọng, hướng tới xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc xử lý các dự án tồn đọng cần bảo đảm đúng quy định và mang tính nhân văn
Sau hơn một năm thực hiện Kết luận 77/2024, nhiều kết quả tích cực được ghi nhận. Chẳng hạn, một số vướng mắc được tháo gỡ; nhiều dự án được tái khởi động, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải phóng nguồn lực cho nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Tuy nhiên, theo rà soát mới nhất, cả nước hiện còn 2.981 dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội. Các dự án gặp vướng mắc chủ yếu liên quan pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, quy trình, thủ tục. Một số dự án được xác định có sai phạm, có dấu hiệu vi phạm hoặc vướng mắc về thủ tục hành chính. Các dự án tồn đọng này chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp địa phương.
Về nguyên nhân, các đại biểu cho rằng xuất phát từ một số bất cập trong quy định pháp luật, sự nôn nóng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương cũng như việc doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm và nguồn lực triển khai dự án. Để khắc phục, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, giao trách nhiệm cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý. Trong giải quyết vướng mắc và xử lý sai phạm, cần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan; tạo điều kiện để các dự án sớm được khơi thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Không để "được việc này mất việc kia"
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nhiều ý kiến đã đề xuất phương án xử lý các dự án vướng mắc phù hợp với tình hình, bảo đảm hiệu quả, nhân văn, thúc đẩy sự phát triển.
Nhấn mạnh quan điểm xử lý các dự án, đất đai không để "sai chồng sai, được việc này mất việc kia", lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, dự thảo thông báo kết luận hội nghị để thống nhất thực hiện trong thời gian tới.
Thủ tướng lưu ý việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án và đất đai là nhiệm vụ phức tạp, nhạy cảm nhưng cần được thực hiện với quyết tâm cao. Do đó, việc triển khai cần được thực hiện bài bản, tuân thủ nguyên tắc của Đảng và pháp luật của nhà nước, bám sát thực tiễn, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Theo Thủ tướng, nhờ cách tiếp cận thận trọng nhưng hiệu quả, nhiều dự án đã được khơi thông, đưa vào khai thác, tạo nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả xử lý các dự án vướng mắc được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, do đó cần tiếp tục phát huy.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, phân loại và đánh giá các dự án tồn đọng; giao các bộ, ngành, địa phương đề xuất phương án xử lý phù hợp với quy định. Nêu rõ nguyên tắc cấp nào, ngành nào có thẩm quyền thì phải chịu trách nhiệm giải quyết, nếu vượt thẩm quyền, cần báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý, Thủ tướng cũng nhắc nhở việc xử lý phải bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng nội dung, đúng phạm vi và đối tượng, mang tính thực tiễn, khả thi và nhân văn.
Theo Thủ tướng, với phương án xử lý rõ ràng, hiệu quả, công minh, đúng bản chất vấn đề, thể hiện tinh thần chiến đấu cao, các vướng mắc về dự án và đất đai sẽ được tháo gỡ, qua đó giúp chống lãng phí, huy động nguồn lực, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,3%-8,5% trong năm 2025. Đây là tiền đề tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc - như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 751 về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng tiếp tục hoạt động, hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét. Thủ tướng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục thực hiện vai trò giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ này. Các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, ban chỉ đạo để hoàn thành báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 8-2025.
Đối với báo cáo trình Bộ Chính trị, Thủ tướng lưu ý cần xin ý kiến xử lý những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Quốc hội; mang tính khả thi, hiệu quả, nhân văn để thúc đẩy sự phát triển.
"Những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ giải quyết; vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương thì các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý cần thực hiện với "tinh thần quyết liệt, nỗ lực cao, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm".
Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù trên cả nước
Theo báo cáo tại hội nghị, trên cơ sở các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù, những khó khăn, vướng mắc tại các dự án ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã được tháo gỡ hiệu quả.
Từ kết quả này, các đại biểu đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách tương tự trên phạm vi cả nước, nhằm xử lý dứt điểm dự án tồn đọng, vướng mắc, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Lập 8 tổ công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập 8 tổ công tác - do Thủ tướng và 7 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng - để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, nhằm đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.
Các tổ công tác sẽ theo địa bàn để rà soát, tổng hợp, phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Ngoài ra, các tổ công tác sẽ xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.
M.Phong
Bình luận (0)