Từ đầu năm 2025, do lượng đơn hàng tăng mạnh, công nhân Công ty may A.F (KCN Tân Bình - quận Tân Bình, TP HCM) phải làm việc tăng ca gần như mỗi ngày, thường xuyên ở lại xưởng đến sau 19 giờ. Thời gian làm việc kéo dài 10-11 giờ mỗi ngày, nhưng hầu hết công nhân đều chấp nhận vì thu nhập được cải thiện đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Thảo Trinh cho biết nếu chỉ làm đủ 8 giờ/ngày, lương tháng của chị khoảng 7 triệu đồng. Sau khi trừ tiền thuê trọ và chi phí nuôi con, số tiền còn lại không đủ trang trải sinh hoạt. "Không tăng ca thì tôi cũng phải kiếm việc gì đó làm thêm để bù vào. Có lúc đơn hàng gấp, công ty cho công nhân mang hàng về nhà may nếu có nhu cầu. Tôi cũng nhận, tối nào cũng cặm cụi may đến 21-22 giờ mới nghỉ. Chỉ có như vậy, thu nhập mỗi tháng mới chạm mức hơn 10 triệu đồng" - chị Trinh kể.

Công nhân may mong có đủ thu nhập để xoay xở cuộc sống hằng ngày
Anh Trần Anh Vũ, công nhân tại một công ty chuyên may sofa và nệm ở Bình Dương, có mức thu nhập khá so với mặt bằng chung của lao động phổ thông, dao động từ 15 – 17 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, để đạt được mức thu nhập này, anh phải làm việc đều đặn hơn 11 giờ mỗi ngày và luôn phải đảm bảo sản lượng cao. Với tổng số giờ làm việc mỗi tháng lên đến khoảng 80 giờ tăng ca, thậm chí những tháng đơn hàng gấp, anh còn phải đi làm thêm cả hai ngày Chủ nhật.
Những công nhân có tay nghề yếu hơn, dù làm việc với thời lượng tương tự, chỉ đạt thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. "Thu nhập như vậy đối với lao động phổ thông là tương đối cao, nhưng cái giá phải trả là gần như toàn bộ thời gian đều gắn liền với nhà máy, không còn chỗ cho các mối quan hệ xã hội hay thời gian cá nhân" – anh Vũ bày tỏ.
Theo Kết quả khảo sát tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023 - 2024 và báo cáo công bố mức lương đủ sống năm 2024 của Liên minh Sàn lương châu Á (AFWA), ngành may mặc Việt Nam hiện có hơn 2,7 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm tỉ lệ áp đảo. Trong số người tham gia khảo sát, hơn 80% là nữ giới và khoảng 90% là công nhân trực tiếp sản xuất.
Khảo sát cho thấy 50% số hộ gia đình có người làm trong ngành may mặc đang sống với mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, khoảng 29% hộ có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, chủ yếu là các gia đình có hai người đi làm. Một số gia đình chỉ có một lao động chính, khiến mức thu nhập trung bình giảm sút đáng kể.

Làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, tăng ca triền miên nhưng thu nhập chỉ ở mức đủ sống, thậm chí là thấp
Cụ thể, thu nhập trung bình của hộ gia đình có một người làm việc trong ngành may mặc chỉ khoảng 250.000 đồng/ngày, tương đương 7,5 triệu đồng/tháng. Với các gia đình có hai người đi làm, con số này dao động từ 500.000 đến 600.000 đồng/ngày (tương đương 15 - 18 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, mức thu nhập này đã bao gồm cả tiền làm thêm, trợ cấp và các khoản thưởng, cho thấy mức lương cơ bản thực tế còn khá thấp. Theo đánh giá của AFWA, thu nhập 11 triệu đồng/tháng hiện vẫn là mức thấp nếu tính đến chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Khoảng 33% công nhân được khảo sát cho biết họ chỉ nhận được dưới 4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập trung bình của công nhân ngành may mặc là khoảng 6 triệu đồng/tháng – đã bao gồm cả tiền tăng ca, thưởng năng suất và phụ cấp. Điều này đồng nghĩa với việc mức lương cơ bản (lương đóng bảo hiểm) thực tế còn thấp hơn.
Trong khi đó, theo tính toán của AFWA, để đảm bảo một mức sống tối thiểu đủ đầy cho công nhân ngành may mặc tại châu Á, mức lương đủ sống cần đạt ít nhất 12,4 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này không chỉ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, mặc, mà còn phải đảm bảo người lao động có thể sống một cuộc sống có phẩm giá, được tôn trọng và có điều kiện phát triển cá nhân, chăm lo cho gia đình.
Một tín hiệu tích cực là thu nhập của người lao động trong ngành đã có dấu hiệu cải thiện kể từ nửa cuối năm 2024, chủ yếu nhờ vào sự hồi phục đơn hàng và thời gian tăng ca nhiều hơn. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng việc phụ thuộc vào tăng ca để cải thiện thu nhập là giải pháp thiếu bền vững, bởi khối lượng công việc và đơn hàng luôn biến động theo thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu vùng hiện hành tại Việt Nam vẫn còn thấp, chưa theo kịp với nhu cầu sống thực tế của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả sinh hoạt liên tục tăng cao. Khoảng cách giữa mức lương thực tế và mức lương đủ sống theo chuẩn của AFWA vẫn còn khá xa, đòi hỏi cần có những chính sách thiết thực hơn để cải thiện thu nhập và đảm bảo đời sống cho công nhân – đặc biệt là lao động nữ trong ngành dệt may.
Bình luận (0)