icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chính quyền địa phương 2 cấp: Vì dân, gần dân, hiệu quả: Bộ máy mới, kỳ vọng mới

Nhóm Phóng viên

Bộ máy mới đã vận hành, cách làm mới đang phát huy hiệu quả. Trong khi đó, kỳ vọng của người dân không chỉ ở mô hình mà còn là kết quả thực tế

Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, TP HCM bước vào giai đoạn vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Chuyển động khẩn trương, đồng bộ

Ghi nhận sau gần 2 tuần chính thức triển khai mô hình mới cho thấy hoạt động của các phường, xã tại TP HCM từng bước ổn định. Hầu hết cán bộ, công chức nhập cuộc với tinh thần sẵn sàng, ý thức trách nhiệm cao, không để ách tắc hồ sơ hành chính.

Tại các phường như Vũng Tàu, Hồ Tràm, Thủ Đức, Chánh Hiệp…, không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc được duy trì ngay từ những ngày đầu. Ông Nguyễn Tấn Bản, Bí thư Đảng ủy phường Vũng Tàu, cho biết trong tuần đầu, Đảng ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, tập trung vào những vấn đề bức thiết như quản lý đất công, xử lý xây dựng trái phép, chỉnh trang đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông…

Chính quyền địa phương 2 cấp: Vì dân, gần dân, hiệu quả: Bộ máy mới, kỳ vọng mới - Ảnh 1.

Cán bộ, công chức phường Bến Thành, TP HCM hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân .Ảnh: PHAN ANH

Phường Vũng Tàu đã tổ chức họp với các bí thư chi bộ, trưởng khu phố, các chức sắc tôn giáo, Ủy viên MTTQ nhằm lắng nghe nguyện vọng trong giai đoạn chuyển tiếp. "Chúng tôi xác định muốn phường hoạt động hiệu quả thì trước hết phải hiểu dân cần gì, lo gì. Giai đoạn đầu luôn là thời điểm dễ phát sinh vướng mắc nên càng cần lắng nghe để kịp thời xử lý" - ông Nguyễn Tấn Bản nhấn mạnh.

Một trong những điểm đáng chú ý của bộ máy chính quyền mới là sự chủ động tiếp cận người dân, thay vì chờ người dân tìm đến. Hàng loạt phường, xã đã phối hợp với lực lượng thanh niên tình nguyện, đặc biệt là các chiến sĩ Mùa hè xanh, triển khai chương trình "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ từng hộ dân" hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, VNeID, ứng dụng Công dân số, tạo điều kiện để họ tiếp cận mô hình hành chính hiện đại.

Tại phường Thủ Đức, hơn 50 tình nguyện viên đã tham gia tập huấn kỹ năng số. Sau đó, họ nhanh chóng xuống khu phố để hướng dẫn người dân thao tác hành chính công trực tuyến ngay tại nhà.

Chị Nghiêm Phạm Thiên Kim (ngụ phường Tăng Nhơn Phú) bày tỏ: "Dù còn trẻ nhưng khi tiếp xúc các nền tảng trực tuyến, tôi vẫn thấy bỡ ngỡ; với người lớn tuổi thì còn khó hơn nhiều. Việc chính quyền phường triển khai đến từng hộ dân như vậy là rất thiết thực. Tôi mong phường Tăng Nhơn Phú cũng sớm triển khai".

Không dừng ở việc hỗ trợ kỹ thuật, các tình nguyện viên còn tích cực tuyên truyền phòng chống lừa đảo công nghệ, bảo vệ an toàn trên không gian mạng và số hóa dữ liệu phục vụ quản lý đô thị. Ở phường Dĩ An, sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM đã cùng chính quyền địa phương xây dựng "Bản đồ khu phố Đông Chiêu A" tích hợp QR code giúp tra cứu địa chỉ, phục vụ sinh hoạt cộng đồng và quản lý hạ tầng.

Là địa phương mới sau khi sáp nhập thị trấn Phước Bửu, xã Phước Thuận và xã Phước Tân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây), xã Hồ Tràm nổi lên như một hình mẫu vận hành hiệu quả. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, chính quyền xã đã bắt tay vào việc nắm bắt địa bàn, rà soát lại cơ cấu tổ chức... Đặc biệt, xã Hồ Tràm triển khai lấy ý kiến người dân về việc đổi tên các ấp, khu phố bị trùng và việc chuyển đổi đơn vị hành chính từ "khu phố" sang "ấp" theo quy định mới.

Theo ghi nhận thực tế trong hai ngày 7 và 8-7, cán bộ xã Hồ Tràm đã phối hợp cùng tổ trưởng ở các ấp trực tiếp đến từng gia đình phát phiếu, hướng dẫn và lấy ý kiến người dân. Việc này được tổ chức bài bản, đúng tiến độ và thể hiện tinh thần "chủ động đi trước" trong số các địa phương mới sáp nhập. "Cách làm bài bản, rõ ràng, minh bạch khiến chúng tôi rất yên tâm" - bà Nguyễn Thị Hồng, người dân xã Hồ Tràm, bày tỏ.

Theo lãnh đạo xã Hồ Tràm, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính không chỉ là đổi tên, mà còn là cơ hội để tổ chức lại toàn diện việc quản lý dân cư, đất đai, dịch vụ công, nhất là khi địa phương này đang phát triển mạnh về du lịch.

Kết nối, củng cố niềm tin

Bên cạnh việc ổn định tổ chức, các cấp ủy và chính quyền phường, xã mới còn đặc biệt chú trọng công tác vận động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những chuyến thăm hỏi chức sắc tôn giáo, người dân có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng vũ trang… được thực hiện đều đặn không chỉ nhằm động viên mà còn là cách để chính quyền mới lắng nghe, điều chỉnh cách làm cho phù hợp với thực tế địa bàn.

Tại phường Tân Hòa, đoàn công tác do Bí thư Đảng ủy Phan Kiều Thanh Hương dẫn đầu đã đến thăm giáo xứ Nghĩa Hòa và chùa Phú Hòa. Không khí buổi gặp gỡ thân mật, chân tình.

Linh mục Giuse Nguyễn Đức Quang thổ lộ: "Tôi hân hoan khi hay tin các lãnh đạo phường sẽ ghé thăm giáo xứ. Đã thành truyền thống, quận Tân Bình trước đây hằng năm tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết tôn giáo với chính quyền. Bây giờ không còn cấp quận nữa nhưng truyền thống ấy vẫn được tiếp nối với phường mới và đó là điều mà chúng tôi rất trân trọng". Lời tâm sự này cũng mở đầu cho buổi gặp mặt thân tình, ấm áp giữa lãnh đạo phường Tân Hòa với giáo xứ Nghĩa Hòa.

Còn Thượng tọa Thích Thông Đức, trụ trì chùa Phú Hòa - người vừa được trao quyết định công nhận Ủy viên Ủy ban MTTQ phường Phú Hòa, khẳng định: "Nhà chùa sẽ chung tay cùng với chính quyền phường mới trong thời gian tới. Trong đó, làm tốt công tác từ thiện, an sinh xã hội, phát huy tất cả năng lực, cùng nhau xây dựng phường Tân Hòa mới phát triển hơn".

Theo Bí thư Đảng ủy phường Tân Hòa, nhằm cổ vũ, động viên tinh thần người dân trong những ngày đầu thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, lãnh đạo phường đã tổ chức các chuyến thăm hỏi từ người dân có hoàn cảnh khó khăn đến các chức sắc, tôn giáo. Những cuộc gặp mặt như vậy không phải là hình thức mà thực sự góp phần củng cố niềm tin của người dân, chức sắc tôn giáo vào sự quyết tâm và gần gũi của bộ máy chính quyền mới.

"Thời gian đầu vận hành, bộ máy vẫn còn một số hạn chế và người dân cũng chưa hình dung hết những thay đổi. Những chuyến thăm hỏi là cơ hội để lãnh đạo phường kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân" - bà Phan Kiều Thanh Hương nhấn mạnh.

Một trong những mô hình sáng tạo và hiệu quả trong việc kết nối chính quyền với người dân là chương trình "Cà phê sáng" ở phường Chánh Hiệp. Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND phường có mặt từ trước 6 giờ để chuẩn bị đồ ăn, thức uống, đón tiếp người dân. Những cái bắt tay thân tình, câu chuyện chia sẻ chân thành khiến khoảng cách giữa chính quyền và người dân được rút ngắn rõ rệt.

Ông Nguyễn Hữu Thạnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Chánh Hiệp, nhìn nhận: "Chúng tôi muốn nhanh chóng nắm bắt tâm tư, kiến nghị của người dân trong giai đoạn chuyển tiếp. Đây cũng là dịp để hỗ trợ các học sinh khó khăn, gặp gỡ những đối tượng chính sách, vận hành đội hình công nghệ số".

Từ ngày 1 đến 10-7, Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Chánh Hiệp đã tiếp nhận gần 800 hồ sơ, bảo đảm quy trình, thời gian và chất lượng giải quyết. Bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ khu phố 2, nhận xét: "Bây giờ mọi thủ tục gọn lẹ, người dân không phải đi nhiều cửa như trước đây".

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Vân - Bí thư kiêm trưởng khu phố 1, phường Chánh Hiệp - cho hay ông rất ấn tượng vì buổi "Cà phê sáng" tạo ra bầu không khí gần gũi, thoải mái. Mọi người có thể thẳng thắn chia sẻ tâm tư, kiến nghị, thắc mắc hay cả những bức xúc trong cuộc sống.

"Mô hình này giúp rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, xây dựng niềm tin và sự đồng thuận xã hội; giúp chúng tôi cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và có quyền tham gia các quyết sách của địa phương, góp phần xây dựng một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân" - ông Vân bày tỏ.

Từ những buổi tiếp xúc thân tình, từ việc "đến từng ngõ, gõ từng nhà", từ các thủ tục hành chính được rút ngắn…, chính quyền địa phương 2 cấp đang dần định hình không chỉ về tổ chức mà còn cả về tinh thần phục vụ nhân dân. Và trong kỳ vọng ấy, niềm tin đang lớn dần lên mỗi ngày. 

(Còn tiếp)

Tuổi trẻ vào cuộc

Sự đồng hành của lực lượng thanh niên là điểm nổi bật trong giai đoạn khởi đầu của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Từ ngày 7-7 đến 30-8, Thành Đoàn TP HCM phát động chiến dịch tình nguyện hỗ trợ tại 168 trung tâm hành chính xã, phường. Các đội hình như Mùa Hè Xanh, Kỳ Nghỉ Hồng, Hành Quân Xanh… làm việc từ 7 giờ đến 18 giờ hằng ngày, hỗ trợ nhập liệu, hướng dẫn dịch vụ công, tuyên truyền phòng chống lừa đảo công nghệ, phát tài liệu pháp luật…

Anh Lê Tuấn Anh, Phó Bí thư Thành Đoàn TP HCM, nhấn mạnh: "TP HCM là đô thị đặc biệt, tiên phong chuyển đổi số. Việc huy động thanh niên không chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt mà còn góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo